Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lạm dụng tiếng lóng trong giới trẻ - Thực trạng đáng báo động

Lâm Vũ| 17/10/2013 06:50

(HNM) - Việc sử dụng tiếng lóng không phải là hiện tượng mới trong xã hội, nhưng chưa bao giờ tiếng lóng bị lạm dụng nhiều như hiện nay. Theo các nhà ngôn ngữ học, đã đến lúc cần định hướng cho giới trẻ trong việc sử dụng ngôn ngữ.

Tiếng lóng ở khắp nơi

Việc sử dụng tiếng lóng từ lâu đã trở nên phổ biến, thành chuyện bình thường. Ví dụ, để diễn tả việc hai người cùng làm một việc gì đó, giới trẻ thường dùng từ "song kiếm hợp bích", thấy một người đi xe luồn lách trên phố, người ta bình luận: "Xà lách kinh thế!". Trong công sở, những người trẻ cũng thường sử dụng thứ ngôn ngữ lóng, như "chiều nay đội mình đi làm tí máu nhỉ?" (ăn tiết canh). Trên các diễn dàn của giới teen, nhan nhản thứ tiếng lóng được "sáng tạo" từ tiếng Anh như "Sugar you, you go, sugar me me go" (Đường anh anh đi, đường tôi tôi đi) "Like is afternoon" (Thích thì chiều), "Do you think you delicious?" (Mày nghĩ mày ngon hả?), "I love toilet you go go" (Tôi yêu cầu anh đi đi)… Trong trường học, có khi học sinh dám đặt biệt danh cho các thầy cô, chẳng hạn, tùy thuộc vào hình dáng của các thầy cô mà có "tên" như "cá bảy màu", "cây sậy", "hạt mít", "chú lùn". Và người ta sử dụng rất nhiều những từ như chuối (dở hơi), khoai (khó), phở (đẹp đẽ, ngon lành), vãi (kinh khủng)…

Tiếng lóng hiện đang bị giới trẻ lạm dụng. Ảnh: Bá Hoạt



Theo GS.TS Nguyễn Văn Khang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, tiếng lóng là loại ngôn ngữ mang tính nhóm xã hội. Khi nào xã hội tồn tại các nhóm thì đương nhiên có ngôn ngữ của các nhóm đó, có cư dân mạng thì sẽ có ngôn ngữ mạng. Trước đây, người ta cho tiếng lóng là xấu, vì đó thường là thứ ngôn ngữ mà những băng, nhóm bất hảo sử dụng. Bây giờ, tiếng lóng được mở rộng đến đa số nhóm xã hội, sinh viên có tiếng lóng của sinh viên, học sinh có tiếng lóng của học sinh... Trong xã hội hiện đại, tiếng lóng phát triển mạnh ở giới trẻ và hiện tượng này xảy ra ở tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam. Như ở Mỹ, người ta gọi tiếng lóng là "ngôn ngữ đường phố", "ngôn ngữ của giới trẻ" và có người còn đùa rằng, ai muốn trẻ lại thì nói thật nhiều tiếng lóng. Thanh niên Việt Nam hiện nay thích sử dụng tiếng lóng, coi nó như là một thứ mốt, có thể tạo ra một cái gì đó mang nét riêng, đặc thù của nhóm.

Tiếng lóng trước đây là một mã ngôn ngữ riêng, không ở nhóm xã hội nhất định thì người ta không hiểu được. Ví dụ như trong tác phẩm "Bỉ vỏ" của Nguyên Hồng, những nhóm trộm cắp có những từ lóng mà chỉ các thành viên trong nhóm mới hiểu được. Nguyên tắc của tiếng lóng là để cho người khác không thâm nhập được vào nhóm đó. Tiếng lóng ngày nay không như vậy, không còn mang tính bí mật nữa, nó mang tính mở và khi nói tiếng lóng thì người ta cảm thấy con người trẻ lại, hòa đồng vào nhóm.

Không nên lạm dụng

Ngày nay, ngôn ngữ phát triển và tiếng lóng tồn tại như một sự tất yếu. Theo các nhà ngôn ngữ học, tiếng lóng làm ngôn ngữ trở nên trẻ hơn, cách dùng từ phong phú, đa dạng, bởi vậy, không ít từ lóng dần trở thành ngôn ngữ chung được mọi người dùng. Ví dụ, trẻ em thường nói "Hôm nay tớ bị ăn ngỗng (điểm 2)" hay "Anh tớ vừa bị trượt vỏ chuối".

Tiếng lóng mang tính khẩu ngữ, là ngôn ngữ phi quy thức. Giống như ngôn ngữ mạng, nó chỉ được dùng trong vui chơi, giải trí một cách thân mật, hoặc có thể dùng trong trường hợp cần nhấn mạnh điều gì đó, nhưng phải dùng trong văn cảnh phù hợp. Điều đáng lưu ý là tiếng lóng nhiều khi được sử dụng trong phạm vi giao tiếp chính thức, làm giảm tính chuẩn mực trong việc sử dụng ngôn ngữ. Không chỉ dùng để trêu đùa, tếu táo ở ngoài trường, có học sinh sử dụng tiếng lóng trong bài kiểm tra, thậm chí là trong bài thi tốt nghiệp. "Đương nhiên, tiếng lóng là khẩu ngữ của một nhóm xã hội nên nó tương đối suồng sã. Trong giao tiếp thân mật, người ta có thể nói những từ lóng nhưng trong giao tiếp chính thức thì không được dùng. Hiện nay, có một số tác giả khi miêu tả nạn trộm cắp trên báo chí cũng lạm dụng tiếng lóng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ. Theo tôi, nếu mình dùng đúng, đủ thì sẽ đem lại hiệu quả, nếu lạm dụng thì sẽ phản tác dụng. Cần nhấn mạnh là hoàn cảnh giao tiếp rất quan trọng", TS Nguyễn Văn Khang lưu ý.

Hiện nay, trong nhà trường, chúng ta dạy quá nhiều kiến thức ngôn ngữ mà ít dạy kỹ thuật giao tiếp, điều đó phần nào dẫn đến tình trạng tiếng lóng được sử dụng sai, không đúng mực. Chính vì vậy, việc dạy cho các em kỹ thuật giao tiếp là rất cần thiết, nó giúp các em biết cách sử dụng tiếng lóng như thế nào, ở mức độ nào là phù hợp. TS Ngô Thị Minh (Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang) cho rằng, để giảm mặt tiêu cực của tiếng lóng, rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, từ phương tiện truyền thông đại chúng đến gia đình, nhà trường, tất cả đều có trách nhiệm giáo dục, giúp giới trẻ nhận thức rõ sự cần thiết của việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp đúng mực. Theo TS Nguyễn Văn Khang, cùng với tiến trình cải cách giáo dục, chúng ta sẽ dạy học sinh một cách thực tế hơn để các em biết cách giao tiếp, biết cách viết văn bản tiếng Việt đúng quy chuẩn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lạm dụng tiếng lóng trong giới trẻ - Thực trạng đáng báo động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.