Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vẫn còn nhiều tranh cãi

Tuấn Lương| 20/12/2017 06:29

(HNM) - Vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh tính chính danh, sự cạnh tranh thiếu công bằng, phá vỡ quy hoạch... được nêu ra tại hội nghị

Uber, Grab... có phải là taxi?

Đây là câu hỏi được nhiều đại biểu đưa ra tại hội nghị nhằm làm rõ Uber, Grab và các đơn vị tương tự thực chất là loại hình nào. Chỉ khi xác định được chính danh thì mới có được phương thức quản lý hữu hiệu. Đại diện Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, Uber và Grab gần giống loại hình taxi. Hai đơn vị này cung ứng phần mềm nhưng lại tự quyết định giá cước. TP Hồ Chí Minh đang xây dựng quy hoạch phương tiện nhưng rất lúng túng, không rõ Uber, Grab là taxi hay tương tự taxi để có biện pháp quy hoạch rõ ràng.

Bảo đảm điều kiện kinh doanh lành mạnh giữa taxi truyền thống và công nghệ sẽ giúp hành khách thật sự được hưởng lợi.


Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội cho rằng, Uber, Grab có một số ưu điểm như: Tận dụng xe nhàn rỗi, phương tiện chất lượng cao hơn; kết nối thanh toán bằng công nghệ minh bạch; chính sách khuyến mãi bù giá nên giá cước rẻ hơn; thúc đẩy đổi mới ứng dụng công nghệ trong dịch vụ taxi truyền thống. Tuy nhiên, taxi là loại hình kinh doanh có điều kiện, trong khi với xe hợp đồng lỏng lẻo hơn, dẫn tới quản lý khó hơn nên số lượng xe tăng nhanh chóng, khó kiểm soát. Giá cước dù rẻ nhưng lại không kiểm soát được. Đối tượng khuyến mãi và thời gian khuyến mãi... hoàn toàn do nhà cung cấp công nghệ quyết định, cơ quan quản lý nhà nước không khống chế. "Quan điểm của TP Hà Nội là cần nhận diện đúng bản chất của Uber, Grab để quản lý. Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội đã quyết định quản lý loại hình này như taxi, phù hợp với bản chất hơn là xe hợp đồng như hiện nay" - ông Viện cho biết.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị làm rõ, Uber, Grab chỉ cung cấp phần mềm hay trực tiếp chỉ đạo kinh doanh, gây nên sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ? Vì mục đích ban đầu của Grab và Uber là chia sẻ xe cá nhân nhàn rỗi, tuy nhiên, hiện hơn 90% xe kết nối với Uber, Grab là xe cá nhân để kinh doanh chứ không phải là xe nhàn rỗi.

Ở góc nhìn khác, ông Phan Đức Hiếu, Viện phó viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, sự lúng túng của cơ quan quản lý nhà nước là bình thường, vì Uber, Grab là loại hình hoàn toàn mới, thay đổi tính chất và mô hình vận tải. Ranh giới giữa xe hợp đồng và taxi là rất mong manh.

Bổ sung các quy định quản lý

Đại diện Sở GT-VT Khánh Hòa nêu, Uber hoạt động tại Khánh Hòa mà không có văn phòng đại diện pháp lý. Tỉnh Khánh Hòa hạn chế hoạt động của Uber nhưng lại xuất hiện xe Uber có phù hiệu TP Hồ Chí Minh kinh doanh tại Khánh Hòa. Do đó, tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Bộ GT-VT cho dừng hoạt động thí điểm, khống chế số lượng và phải giải quyết được vấn đề chủ thể kinh doanh là dịch vụ hỗ trợ hay vận tải; giao cho UBND địa phương quản lý thì mới không dẫn tới tình trạng bất lực như hiện nay.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nêu quan điểm, đối tượng này là xe kinh doanh vận tải, không cho phép cá nhân tham gia. Lộ trình thí điểm 2 năm là thời điểm phù hợp để đánh giá cụ thể. Các đơn vị sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để có thông tin đầy đủ về nghĩa vụ thuế. Để bảo đảm hài hòa lợi ích, tránh các đơn vị taxi truyền thống "đấu tố" Uber, Grab, Sở GT-VT các địa phương có xe thí điểm cần đề xuất bổ sung các quy định, điều kiện về quản lý đối với các đơn vị cung cấp phần mềm điện tử (như Uber, Grab...) đồng thời giảm một số điều kiện kinh doanh với taxi truyền thống.

Theo Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ, trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Bộ đã bổ sung quy định về hình thức, nội dung, điều kiện giao kết hợp đồng vận tải điện tử; quy định điều kiện hoạt động, trách nhiệm, nghĩa vụ của đơn vị cung cấp phần mềm đối với Nhà nước, đối tác vận tải, tài xế và hành khách. Việc khống chế số lượng xe thí điểm do địa phương quyết định cho đến khi lập và thực hiện quy hoạch về phương tiện và vận tải trên địa bàn phù hợp với thực tiễn theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, bảo đảm hài hòa nhu cầu đi lại của người dân.

Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các đơn vị cung cấp phần mềm và vận tải đang tham gia thí điểm tiếp tục kéo dài hoạt động cho đến khi nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP có hiệu lực. Các đơn vị này nếu không thực hiện theo đúng các quy định và phạm vi được phép thí điểm thì sẽ dừng hoạt động và kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Hiện tại, đã có 10 đơn vị triển khai thí điểm, 7 đơn vị có đề án gửi về Bộ GT-VT. Trong quá trình thực hiện, các địa phương đề nghị chưa chấp thuận thêm đơn vị thí điểm để tránh tăng số lượng phương tiện, ảnh hưởng đến quy hoạch và gây ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Theo thống kê, tuy có 10 đơn vị cung ứng dịch vụ công nghệ hỗ trợ kết nối nhưng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 21.601 xe, Hà Nội có 15.046 xe, Quảng Ninh có 62 xe, Khánh Hòa có 100 xe tham gia dịch vụ vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẫn còn nhiều tranh cãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.