Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tài năng violon thiên bẩm

Yên Nga| 19/04/2017 06:16

(HNM) - Nhiều người có mặt trong buổi gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016 diễn ra cuối tháng 3-2017 có lẽ vẫn còn nhớ câu chuyện về chàng trai luôn thể hiện mong muốn Chính phủ quan tâm hơn tới sự phát triển của nghệ thuật hàn lâm.

Sinh năm 2002, cao gần 1m80, Trần Lê Quang Tiến nhìn chững chạc hơn so với tuổi, có lẽ bởi chàng trai này khá tự lập, điềm đạm, ít nói. Là người nổi tiếng, từng biểu diễn solo trên nhiều sân khấu lớn trong nước và quốc tế, xuất hiện liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng cuộc sống của Tiến và gia đình không bị xáo trộn là bao. Tiếp xúc với Tiến, tôi cảm nhận dường như tài năng âm nhạc trẻ này được bao bọc trong một thế giới rất riêng, nơi chỉ có âm nhạc và những thứ phục vụ cho mục đích âm nhạc của em...

Tài năng violon Trần Lê Quang Tiến.



Đã nhiều năm nay, Trần Lê Quang Tiến bắt đầu một ngày mới bằng việc luyện đàn trên căn phòng tầng 2 của ngôi nhà. Sau đó, em tới trường quốc tế và học như mọi học sinh bình thường. Thời gian sau đó được sắp xếp theo lịch của thầy dạy nhạc - NSƯT Bùi Công Duy. Điểm đến của hai thầy trò có thể là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nhà của thầy hoặc một trung tâm nghệ thuật nào đó… miễn sao ở đó có phòng tập. Trần Lê Quang Tiến luyện đàn nhiều nhất vào đêm khuya, từ 21h đến gần 1h sáng hôm sau. Ở nhà, ba mẹ em đã quen tiếng violon đủ mọi sắc thái, khi to, khi nhỏ, lúc réo rắt, lúc thâm trầm. Đêm nào Tiến đi thi hay biểu diễn, đêm ấy ba mẹ em lại thao thức, cảm thấy trống trải. Những khoảng thời gian rảnh trong ngày, Tiến đọc sách, vẽ, nấu ăn, có khi còn múa để thư giãn. Mẹ Tiến, chị Lê Thị Xuân Hà tiết lộ, Tiến chưa học vẽ bao giờ nhưng em có nhiều bức tranh gây ngạc nhiên cho các cô, bác trong nghề. Với múa, chị Xuân Hà tình cờ phát hiện con mình có năng khiếu trong một lần chị mở đĩa ballet “Hồ thiên nga” xem. Hôm ấy, Tiến bắt chước giống hệt những động tác múa vốn rất khó ngay cả với vũ công chuyên nghiệp.

Trần Lê Quang Tiến không thích mọi người gọi mình là “thần đồng” dù ở tuổi 12 em đã đoạt giải nhất Cuộc thi violon quốc tế Mozart - diễn ra tại Thái Lan, giành học bổng Toyota hỗ trợ tài năng âm nhạc trẻ Việt Nam trong 2 năm liền (2016, 2017) và xuất sắc đoạt giải nhất Cuộc thi violon quốc tế Kazakhstan lần thứ VI năm 2016. Sau khi NSƯT Bùi Công Duy đoạt giải nhất Cuộc thi âm nhạc Tchaikovsky dành cho các tài năng trẻ (năm 1997) thì Trần Lê Quang Tiến là người tiếp theo làm rạng danh Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tại một cuộc thi violon uy tín hàng đầu Châu Âu và thế giới.

Trần Lê Quang Tiến chia sẻ: “Em nghĩ năng khiếu thì mình có, nhưng như thế vẫn chưa đủ, còn phải khổ luyện ngày này qua ngày khác, thầy phải “gầm gào” không biết bao nhiêu lần thì mới đạt kết quả khiêm tốn này”. Thể hiện sự nghiêm túc, chững chạc là thế, nhưng cậu lại nở nụ cười rất tươi khi người thân, bạn bè, thầy cô gọi mình là “Mứt” - nickname dễ thương và ngọt ngào mà ba mẹ đặt cho em.

"Mứt" học piano từ khi mới 5 tuổi, theo gương chị gái Trần Lê Bảo Quyên khi ấy cũng đang học piano tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. 6 tuổi, Tiến chuyển sang học violon cho “khác với chị gái”. Ba năm sau đó, dù đã có khoảng thời gian dài chuyển sang học vẽ và phải tập trung học văn hóa, nhưng đứng trước ba mẹ và chị gái, "Mứt" khẳng định như "đinh đóng cột" rằng mình sẽ theo đuổi việc học violon. Hóa ra, trong những năm tháng tưởng như đã rẽ ngang qua một bộ môn nghệ thuật khác, Tiến vẫn đều đặn nghe nhạc qua đĩa DVD hay trên Youtube, theo dõi chị gái tập luyện. Cậu đã thử tài với bộ môn khác để rồi nhận ra rõ hơn về niềm yêu thích thật sự của mình.

Đi để... trở về

Tuy có quyết định khá muộn màng so với độ tuổi thuận lợi để bắt đầu học đàn chuyên nghiệp, nhưng Tiến may mắn được NSƯT Bùi Công Duy nhận dìu dắt. Thi đỗ hệ trung học 9 năm của Khoa Dây - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, học hết năm đầu, Tiến được nhà trường quyết định cho lên lớp 3/9. Hai năm tập trung học violon, Tiến gặt hái giải thưởng quốc tế đầu tiên. Sự say mê, khả năng tập trung tốt, năng khiếu nghệ thuật thiên bẩm đã đưa em bước nhanh trên con đường mà mình chọn. Giờ đây, Tiến đang theo học lớp 5/9.

Nhiều người cho rằng Trần Lê Quang Tiến có sự hậu thuẫn lớn của gia đình để đi đến thành công. Đó là nhận định có cơ sở bởi Tiến là chắt ngoại của nhà văn Nguyễn Tuân và là cháu nội của vị tướng quân đội Trần Văn Quang. Bố của Tiến là một nhà khoa học, còn mẹ giúp họ hàng chăm lo hai bảo tàng tư nhân liên quan tới nhà văn Nguyễn Tuân và họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm. Một nhân vật có ảnh hưởng quan trọng nữa đối với Tiến là chị gái Trần Lê Bảo Quyên - người đang theo học đại học tại Đức, luôn chia sẻ tình yêu âm nhạc với em. Mỗi khi chị gái về nước, "Mứt" lại cùng chị say sưa chơi nhạc bởi tiếng đàn của hai chị em “hòa hợp hơn bất cứ ai” - như lời Tiến nói. Ngay từ nhỏ, chị Quyên và Tiến được ông bà rèn thói quen đọc sách. Không chỉ những cuốn sách của cụ Nguyễn Tuân, Tiến còn đọc sách lịch sử, khoa học… Tiến nói: “Sách giúp em có cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống và âm nhạc”. Được nuôi dưỡng trong nếp nhà giàu truyền thống nghệ thuật, Tiến trưởng thành nhanh, đĩnh đạc và bản lĩnh.

Bây giờ, ở tuổi 15, Tiến đã xác định rõ hướng phấn đấu: Phải giỏi để giành được học bổng theo học tại các quốc gia có nền âm nhạc cổ điển phát triển, sau đó trở về nước, vừa làm nghệ sĩ biểu diễn vừa giảng dạy.

Liệu có quá sớm để nói đến tương lai dài phía trước? Tiến chắc chắn rằng: “Em cảm thấy gia đình mình có sự kết nối rất đặc biệt và em không muốn tách rời. Hơn nữa, em thấy mình có sứ mệnh truyền tải và lan tỏa âm nhạc hàn lâm tại Việt Nam”. Tiến không hề nói điều quá to tát, mà thể hiện sự tự tin. Bởi không dễ gì một người kiệm lời như Tiến lại mạnh dạn bày tỏ nguyện vọng trước người đứng đầu Chính phủ, rằng em mong mỏi nghệ thuật hàn lâm được quan tâm đầu tư hơn nữa, đồng thời có những suất học bổng dành cho tài năng trẻ học tập tại những nước phát triển.

Thực sự, đó là điều mà Trần Lê Quang Tiến luôn trăn trở, luôn nỗ lực vươn tới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài năng violon thiên bẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.