Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm sáng của Châu Âu

Thùy Dương| 17/01/2018 06:36

(HNM) - Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire vừa cho biết, mức tăng trưởng kinh tế của đất nước hình lục lăng trong năm 2017 có thể đạt tới 2%, cao hơn mức dự báo chính thức của Chính phủ.


Đây được coi là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011, cộng thêm điểm sáng hơn 250.000 việc làm mới được tạo ra trong ngành bán lẻ. Trước đó, Chính phủ Pháp đã đưa ra dự báo tăng trưởng trong năm 2017 và 2018 là 1,7%. Tuy nhiên, do những kết quả ấn tượng trong quý IV, tuần trước, Ngân hàng trung ương Pháp đã nâng mức dự báo năm 2017 lên 1,9%. Bên cạnh đó, lòng tin tiêu dùng tại Pháp ở mức cao nhất trong gần 10 năm qua bởi người dân lạc quan hơn về thu nhập khi Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra chương trình cải cách.

Ngành công nghiệp Pháp tăng trưởng ấn tượng trong năm 2017. Ảnh: New York Times


Báo cáo mới nhất của Ngân hàng trung ương Pháp nhận định, nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng cao hơn mong đợi đến hết năm 2019. Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia (Insee) cho biết, lĩnh vực sản xuất công nghiệp gặp thuận lợi nhờ thương mại thế giới hồi phục, trong khi ngành Xây dựng cũng phát triển nhờ nhu cầu nhà ở của người dân gia tăng. Ngành Công nghiệp thậm chí đã trở lại thời kỳ vàng trước khủng hoảng kinh tế khi các công ty tận dụng lợi thế được miễn thuế để tăng sức cạnh tranh và việc làm. Lĩnh vực dịch vụ, nhất là nhà hàng, khách sạn và giao thông tăng trưởng tốt nhờ sự quay trở lại của du khách quốc tế và nhu cầu của người dân trong nước. Sản xuất nông nghiệp cũng phục hồi sau thất thu năm 2016 do thời tiết xấu.

Kết quả vừa đạt được có ý nghĩa quan trọng, bởi trên thực tế sức mạnh của kinh tế Pháp đã đi xuống rõ rệt trong thời gian gần đây, với nhiều năm duy trì tốc độ tăng trưởng ảm đạm, tỷ lệ thất nghiệp cao và thâm hụt ngân sách nặng nề. Cách đây không lâu, cả Đức và Pháp đều là hai nền kinh tế lớn nhất của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) với chất lượng cuộc sống được đánh giá gần tương đương nhau. Nhưng ngày nay, GDP bình quân đầu người của Đức cao hơn khoảng 15% so với Pháp. Năm 2002, khi đồng euro ra đời, cả hai nước cùng có tỷ lệ thất nghiệp khoảng 8%, nhưng hiện tại, tỷ lệ này ở Đức đã giảm dưới 4%, còn Pháp đã tăng lên gần 10%.

Nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế đang dần cải thiện từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nhưng lại gặp bất ổn an ninh nghiêm trọng, Tổng thống E.Macron được nhận định là gặp nhiều thách thức. Vị tổng thống trẻ tuổi đã cam kết định hình lại nền kinh tế đất nước và đẩy mạnh các cuộc cải cách quan trọng của Liên minh Châu Âu (EU). Để đạt được mục tiêu này, nhà lãnh đạo Pháp đã thực hiện kế hoạch cải tổ sâu rộng về kinh tế, trong đó, coi việc sửa đổi Luật Lao động theo hướng giảm bớt sự chi phối của Nhà nước tới hoạt động của doanh nghiệp và tạo nhiều cơ hội cho người dân là một ưu tiên. Ông chủ Điện Elysee cũng hướng tới mục tiêu hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp từ mức 9,3% hiện nay xuống 7% vào năm 2022.

Với những chỉ số kinh tế tích cực, uy tín của Tổng thống E.Macron đang tăng cao. Theo kết quả do Viện thăm dò ý kiến dư luận Pháp (IFOP) công bố cuối tháng 12-2017, hiện có đến 57% người Pháp được hỏi cho biết hài lòng với sự điều hành của ông chủ Điện Elysee. Các nhà phân tích nhận định, những kế hoạch của người đứng đầu chính phủ có thể tìm lại vị trí trước đây cho nước Pháp trên trường quốc tế sau một giai đoạn tương đối nhạt nhòa, đồng thời hỗ trợ cho sự hồi phục của kinh tế Châu Âu và thực hiện chương trình cải cách EU trong 10 năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm sáng của Châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.