Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nắm rõ quy định, tránh khiếu kiện

Linh Nhi| 20/06/2017 07:13

(HNM) -

Xác minh phản ánh của ông Vũ Văn Trung, được biết, ngày 2-5-2017, ông Trung mang xe máy Jupiter đến Trung tâm bảo hành và dịch vụ Yamaha mô tô Việt Nam tại số 67 phố Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng- Hà Nội) và được nhân viên cửa hàng tên Kiên, tổ phó tổ sửa chữa bảo hành của cửa hàng kiểm tra, thông báo xe hư hỏng nhiều, cần thay thế phụ tùng, nhưng hiện Trung tâm hết sản phẩm thay thế. Nhân viên này hẹn ông Trung để xe lại, khi nào nhập phụ tùng về thì điện thoại cho ông Trung đến kiểm tra chất lượng tem, nhãn trước khi thay.

4 ngày sau, ông Trung được người đại diện Trung tâm này gọi đến thanh toán và nhận xe. Đến nơi, ông Trung được biết, chiếc xe Jupiter được thay thế nhiều phụ tùng, tổng chi phí gần 3 triệu đồng. Tuy không hài lòng vì Trung tâm tự động thay thế phụ tùng mà không gọi ông đến kiểm tra chất lượng sản phẩm trước như đã hứa, nhưng vì tin tưởng ông không thắc mắc điều này, chỉ đề nghị viết cam kết bảo hành. Tuy nhiên, đại diện Trung tâm này trả lời ở đây không bảo hành phụ tùng thay thế. Không đồng tình với cách làm việc của Trung tâm bảo hành và dịch vụ Yamaha mô tô Việt Nam, ông Trung không lấy xe về, đồng thời viết đơn gửi Báo Hànộimới và cơ quan chức năng.

Phóng viên Báo Hànộimới gọi điện tới Trung tâm bảo hành và dịch vụ Yamaha, sau đó làm việc với Công ty TNHH Yamaha mô tô Việt Nam (tầng 10, tòa nhà 127 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng). Ông Đồng Văn Tự đại diện Ban truyền thông của Công ty cho biết: Công ty không có chính sách bảo hành phụ tùng thay thế vì đó là sản phẩm chính hãng, bảo đảm chất lượng.

Trao đổi với ông Phan Thế Thắng, Phó phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, (Bộ Công Thương) phóng viên được biết, Cục này nhận được nhiều đơn, điện thoại của người tiêu dùng, trong đó nhiều người thắc mắc về chế độ bảo hành tương tự trường hợp ông Trung. Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định trách nhiệm bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện như sau: “Hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành theo thỏa thuận của các bên hoặc bắt buộc bảo hành theo quy định của pháp luật. Trường hợp hàng hóa, linh kiện, phụ kiện được bảo hành, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo hành hàng hóa, linh kiện, phụ kiện do mình cung cấp”. Như vậy, sản phẩm được người tiêu dùng mua, sử dụng có thể rơi vào một trong hai trường hợp là “được bảo hành” hoặc “không được bảo hành”, nên việc quy định các sản phẩm được bảo hành và thời gian điều kiện bảo hành phụ thuộc vào chính sách của hãng.

Nhận định về sự việc trên, Thạc sĩ - luật sư Nguyễn Hồng Thái, Văn phòng Luật sư Hồng Thái và đồng nghiệp cho biết: Điều 446 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ bảo hành quy định: “Bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Như vậy, trường hợp của ông Trung không trong quy định pháp luật bắt buộc bảo hành. Theo quan điểm của Thạc sĩ - luật sư Nguyễn Hồng Thái, nhân viên hãng Yamaha mô tô Việt Nam trả lời cho khách hàng chưa được rõ ràng. Dù có bảo hành hay không, hãng phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đã bán cho khách hàng.

Thiết nghĩ, đây là bài học kinh nghiệm cho cả người bán hàng và người mua hàng. Người bán cần bám sát quy định pháp luật và có thỏa thuận rõ ràng với khách trước khi bán sản phẩm. Còn người mua cũng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm cũng như chính sách của hãng để tránh thiệt thòi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nắm rõ quy định, tránh khiếu kiện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.