Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất thay chính sách bảo hiểm thất nghiệp bằng bảo hiểm việc làm

Hà Phong| 05/10/2012 19:16

(HNMO) - Chiều 5-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 12. Trong ngày làm việc đầu tiên, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Việc làm.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, điểm mới của dự án Luật Việc làm là đưa ra quy định về bảo hiểm việc làm (bắt buộc), áp dụng đối với cả lao động làm việc theo hợp đồng và mọi chủ sử dụng trên cơ sở kế thừa và phát triển từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, hỗ trợ người sử dụng lao động cả về lãi suất tiền vay và kinh phí đào tạo phát triển kỹ năng nghề để thanh toán chế độ cho công nhân khi nền kinh tế đang suy giảm và hạn chế tối đa tình trạng thất nghiệp. Như vậy, nếu được triển khai, bảo hiểm việc làm sẽ hướng đến mục tiêu kép: duy trì sự ổn định, phát triển cho doanh nghiệp và việc làm cho người lao động. Khi Luật việc làm có hiệu lực, chính sách bảo hiểm việc làm sẽ thay thế cho chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành theo Luật bảo hiểm xã hội.

Với đặc điểm ưu việt trên, Chính phủ, Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH - cơ quan thẩm tra dự án này thống nhất việc quy định bảo hiểm việc làm trong Dự án Luật việc làm. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Kim Ngân nhận định, chính sách bảo hiểm việc làm tiến bộ hơn bảo hiểm thất nghiệp và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Còn theo bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH, hầu hết các nước trên thế giới, chính sách bảo hiểm việc làm hay bảo hiểm thất nghiệp đều gắn với các chính sách thị trường lao động và do hệ thống dịch vụ việc làm triển khai thực hiện. Để chính sách bảo hiểm việc làm mang tính khả thi cần phải có tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức cao và hệ thống đào tạo nghề, dịch vụ việc làm đã phát triển. Tuy nhiên, do đây là chính sách mới nên cần có thời gian nghiên cứu kỹ hơn, trước khi đưa vào dự án Luật. Quá trình triển khai cần trên cơ sở tự nguyện thay vì bắt buộc như đề xuất của Ban soạn thảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất thay chính sách bảo hiểm thất nghiệp bằng bảo hiểm việc làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.