Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gánh nặng từ việc không tên

Minh Ngọc| 07/06/2017 07:16

(HNM) - Kết quả một khảo sát mới công bố cho hay, phụ nữ Việt Nam sử dụng khoảng 5 giờ/ngày để làm việc nhà, chăm sóc gia đình... Đây là những công việc không được trả lương và nó không chỉ là gánh nặng khiến phụ nữ bị thiệt thòi, mà còn gây ra nhiều hệ lụy.

Quá nhiều việc không tên

Kết quả đo lường công việc của phụ nữ Việt Nam do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Trung tâm Nghiên cứu phát triển quốc tế Canada (IDRC) vừa công bố cho thấy, phụ nữ Việt Nam sử dụng khoảng 5 giờ/ngày để làm việc nhà, chăm sóc gia đình, cao hơn nam giới từ 2 đến 2,5 giờ/ngày. Những công việc không tên, không được trả lương phổ biến ở Việt Nam này được xác định là: Nấu ăn, lau dọn nhà cửa, giặt quần áo, chăm sóc người già, người ốm đau, tật nguyền, trẻ em...

Dù vất vả với việc nhà nhưng đa số phụ nữ vẫn phải tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Thái Hiền


Dù phải vất vả với việc nhà như vậy nhưng đa số phụ nữ vẫn tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm cho xã hội. Bởi vậy, theo kết quả khảo sát, tính chung trong một ngày, thời gian mà tất cả phụ nữ ở độ tuổi lao động tại Việt Nam phải làm việc nhiều hơn so với nam giới vào khoảng 55 triệu giờ (tương đương với gần 7 triệu ngày làm việc). Nếu quy đổi gần 7 triệu ngày làm việc theo mức lương phổ biến hiện nay, nguồn thu của phụ nữ là không nhỏ. Thế nhưng, phần lao động đặc thù này chưa được tính trong tài khoản quốc gia và tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cũng chưa được gia đình và cộng đồng coi trọng đúng mức. Trên thực tế, chi phí về thời gian, công sức cho những công việc không lương được các nhà nghiên cứu ước tính bằng 17-48% GDP, tùy thuộc vào những công việc này được định giá như thế nào.

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ rõ, khi phụ nữ phải dành quá nhiều thời gian cho những công việc không được trả lương, điều đó ảnh hưởng rất lớn tới cơ hội về việc làm, thu nhập, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí… của họ. “Khi phụ nữ có ít thời gian làm việc xã hội, thu nhập sẽ ít hơn và đương nhiên, vị thế của họ trong gia đình sẽ giảm. Trong một số trường hợp, người đàn ông kiếm được nhiều tiền hơn tự cho mình quyền quyết định trong gia đình, coi thường vai trò của phụ nữ. Và khi phụ nữ không làm cho nam giới hài lòng thì bạo lực gia đình có thể xảy ra”, bà Khuất Thu Hồng (Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) lý giải.

Đồng quan điểm nói trên, bà Nguyễn Thị Lan Hương (Viện Khoa học Lao động và Xã hội) phản ánh, những công việc “không tên” chưa được ghi nhận làm cho vai trò của phụ nữ đối với nền kinh tế và gia đình bị đánh giá thấp. Ở góc độ nào đó, nó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới… Bằng chứng là ở độ tuổi 15, trẻ em nam dành thời gian cho giáo dục nhiều hơn trẻ em nữ khoảng 4 giờ/tuần. Ở lứa tuổi 17 và 18 - khi trẻ học hai năm cuối trung học phổ thông, nam giới dành thời gian cho việc học nhiều hơn nữ khoảng 5 giờ/tuần và khoảng cách này càng ngày càng nới rộng. “Trách nhiệm làm việc nhà đè nặng lên phụ nữ và trẻ em gái có thể làm hạn chế khả năng kiếm tiền và theo đuổi sự nghiệp của phụ nữ; không khuyến khích phụ nữ kết hôn và sinh con”, bà Nguyễn Thị Lan Hương cảnh báo.

Những khuyến nghị về chính sách

Việt Nam là nước đông dân, trung bình mỗi năm có hơn 1 triệu trẻ em ra đời. Dự báo đến năm 2040, số người Việt Nam từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 23% dân số. Những con số này cho thấy quỹ thời gian dành cho công việc không được trả lương sẽ ngày càng tăng lên, kéo theo những vấn đề xã hội cần phải giải quyết. “Đã đến lúc chúng ta cần đánh giá khách quan, khoa học về những công việc không được trả lương. Bởi vì, chỉ khi nào mà những đóng góp của phụ nữ Việt Nam được ghi nhận rõ ràng thì xã hội mới có sự chuyển biến mạnh mẽ về quyền bình đẳng giữa nam và nữ”, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định.

Để giải quyết vấn đề này, bà Hoàng Phương Thảo, đại diện ActionAid (tổ chức quốc tế chống đói nghèo) tại Việt Nam cho rằng, những công việc không lương hiện nay nên được tính vào tổng sản phẩm quốc nội.

Theo bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, các cơ quan chức năng nên đưa ra dịch vụ công hỗ trợ cho cộng đồng, góp phần làm giảm số giờ làm công việc không lương. Như vậy là cần phải có hệ thống nhà trẻ, trạm y tế, trường mầm non, nước sạch, giao thông công cộng... đủ sức đáp ứng nhu cầu của người dân. Chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp, trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc nhằm tìm kiếm mức lương tốt hơn và chống lại sự phân biệt về tiền lương theo giới cũng cần được tính đến. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cộng đồng; tăng cường đối thoại về vấn đề giới, xem xét lại một số hoạt động thường được mặc định là công việc của phụ nữ…

Phụ nữ Việt Nam vốn chịu thương chịu khó, coi trọng gia đình, sẵn sàng làm những công việc không được trả lương. Tuy nhiên, nếu các thành viên trong gia đình không nhìn thấy trách nhiệm của mình đối với những công việc đó thì gánh nặng từ những công việc không được trả lương sẽ tiếp tục là rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ và xã hội. Bởi vậy, việc nghiên cứu, ban hành chính sách cụ thể về vấn đề này là rất cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gánh nặng từ việc không tên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.