Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một giờ với giáo sư đoạt giải Nobel y học

Vũ Vân| 29/04/2014 06:26

(HNM) - Ông là Louis J.Ignarro, Giáo sư danh dự chuyên ngành dược lý, Khoa Dược phân tử và dược y của Đại học UCLA, Los Angeles, California.


Đến Việt Nam lần đầu tiên để trao đổi với các chuyên gia y khoa, bác sĩ tim mạch, nội tiết, dược sĩ đầu ngành về vai trò của Nitric Oxide (NO) trong các bệnh lý tim mạch, sáng 26-4, ông đã dành cho báo giới một giờ đồng hồ quý giá để nhắn gửi với người dân Việt Nam hãy sống lành mạnh để phòng tránh các bệnh lý tim mạch, căn bệnh thầm lặng nhưng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay.

Giáo sư Louis J.Ignarro.


Ngắn gọn và rõ ràng, ông đã giúp kẻ ngoại đạo có được những hiểu biết cơ bản về một phân tử đơn dạng khí, phân hủy rất nhanh nhưng có vai trò vô cùng quan trọng giúp con người chống lại các bệnh lý tim mạch mà ông đã nghiên cứu suốt 40 năm qua. Ông kể rằng, bắt đầu nghiên cứu về NO từ 40 năm trước, nhưng những kết quả đột phá mang lại giải thưởng danh giá cho ông và các cộng sự, cũng như tạo nên một cuộc cách mạng trong nghiên cứu nguyên nhân tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và các bệnh lý tim mạch nguy hiểm thì phải 20 năm sau mới có được. Dù cho rằng, cơ thể con người có thể sản xuất ra NO, nhưng làm sao để chứng minh điều ấy? Ông nhớ lại: "Phòng thí nghiệm đặc biệt để làm những thí nghiệm đặc biệt được thành lập nhưng nhiều tháng trôi qua không có kết quả. Có người khuyên ông nên dừng nghiên cứu vì không thể tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi ấy. Nhưng cảm hứng và quyết tâm từ câu nói của một sinh viên, rằng cậu ta tin cơ thể sản xuất được NO, chúng tôi đã tiếp tục nghiên cứu, làm thí nghiệm. Chúng tôi đã cho một loại dung dịch đặc biệt chảy qua động mạch, nếu trong đó có NO thì dung dịch đó sẽ chuyển màu. Và chỉ chưa đến 1 phút, chất lỏng đó đã chuyển sang màu đỏ nhạt, chứng tỏ động mạch có thể sản xuất ra NO. Khi ấy, người từng nói rằng không thể tìm ra câu trả lời đã gặp ông và khẳng định: ông sẽ được giải Nobel".

NO khó nắm bắt, nhưng sau nhiều năm nghiên cứu, Giáo sư Louis J.Ignarro và đồng nghiệp đã biết cách "làm việc" với nó và phát hiện ra nó bảo vệ cơ thể con người như thế nào. NO sinh ra trong mạch máu, có tác dụng làm giảm huyết áp, ổn định huyết áp và duy trì huyết áp trong giới hạn bình thường. Nó cũng giúp cơ thể chống lại việc hình thành các cục máu đông, là nguyên nhân gây đột quỵ, có thể lấy đi cuộc sống của con người. Nếu cơ thể sản xuất đủ NO thì con người sẽ được bảo vệ khỏi những biến cố về tim mạch.

Tuy nhiên, con số người bị tăng huyết áp và mắc các bệnh tim mạch hiện nay cho thấy, không phải cơ thể của mọi người đều sản xuất đủ NO. Cái gì khiến cơ thể giảm sản xuất NO? Giáo sư Louis J.Ignarro cho biết, ông đã dành thời gian đi nhiều nơi trên thế giới để thuyết phục mọi người rằng, hãy sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn để cơ thể sản xuất đủ NO và đó là cách phòng tránh các bệnh lý tim mạch hiệu quả nhất. Song theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới WHO, hằng năm có khoảng 17 triệu người tử vong vì các bệnh lý tim mạch. Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ tim mạch phổ biến nhất, cũng là yếu tố chính gây nhiều biến cố tim mạch nhất. Theo thống kê, tính chung toàn thế giới, cứ 100 người chết thì có 30 người chết do các bệnh về tim mạch, tỷ lệ này ở khu vực Đông Nam Á còn cao hơn, lên đến 39,7%. Trong khi đó, tỷ lệ người chết vì bệnh ung thư và các bệnh nhiễm trùng cộng lại chỉ 32%. Kẻ giết người thầm lặng này hiện không chỉ tấn công người già mà cả người trẻ cũng đã bị cao huyết áp. Vậy thì có cách nào giúp những người đã mắc bệnh? Giáo sư Louis J.Ignarro đặt câu hỏi đó và tự trả lời: NO là chất khí không ổn định nên khó mà đóng viên nó thành thuốc hay trộn vào siro. Song thật may là có một cách khác để người bệnh được bổ sung NO, đó là dùng nebivolol, biệt dược tại Việt Nam là nebilet.

Chậm rãi, ông giải thích rằng, nebilet được sản xuất để giúp người sử dụng giảm huyết áp. Nó có tác dụng ức chế thần kinh giao cảm, giúp người bệnh giảm nhịp tim và từ đó hạ được huyết áp. "Nhưng đó mới chỉ là một nửa câu chuyện. Rất đáng ngạc nhiên là nebilet còn giúp cơ thể tăng sản xuất NO. Có nghĩa là, nebilet giúp giảm huyết áp bằng hai cơ chế riêng rẽ. Vừa ức chế thần kinh giao cảm, vừa giúp cơ thể tăng sản xuất ra NO". Giáo sư Louis J.Ignarro còn cho biết, hãy sống lành mạnh để không phải dùng nebilet. 90% bệnh lý tim mạch có thể phòng ngừa được bằng tập thể dục đều đặn và thực hành chế độ ăn hợp lý. Nếu thế hệ chúng ta chưa làm được điều đó thì hãy dạy cho con cháu điều đó.

Nebilet thuộc nhóm thuốc điều trị bệnh lý tim mạch bằng chẹn beta giao cảm. Các thuốc chẹn beta giao cảm được coi là một trong những thành tựu về dược lý học tiêu biểu của thế kỷ XX. Sự ra đời của thuốc chẹn beta đã góp phần quan trọng trong điều trị các bệnh lý tim mạch. Từ khi được phát minh vào những năm 60 của thế kỷ trước, 3 thế hệ thuốc nhóm này đã lần lượt ra đời. Ưu việt hơn những thuốc thế hệ trước, các thuốc chẹn beta giao cảm thế hệ thứ ba được chứng minh hiệu quả hạ huyết áp tốt hơn, ít tác dụng phụ. Tuy còn xa lạ tại Việt Nam, nhưng nebilet đã được sử dụng phổ biến trên thế giới, đặc biệt là Châu Âu, Châu Mỹ. Thị phần của biệt dược này ở Châu Mỹ lên đến 57%, còn tính trên toàn cầu là 43%.

Tháng 6 này Giáo sư Louis J.Ignarro tròn 73 tuổi và ông dự định sẽ nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Cuộc đời ông là một tấm gương về sự nỗ lực. Ông kể, cha mẹ ông là người Italia di cư sang Mỹ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thậm chí, bố mẹ ông còn không được học hành. Nhưng dù vậy, họ vẫn muốn hai người con của mình được học hành tử tế để trở thành người có ích. "Dù bố mẹ không giúp tôi trong việc làm bài tập mỗi ngày nhưng ông bà đã làm việc rất chăm chỉ để hai anh em tôi được đi học và luôn khuyến khích chúng tôi nỗ lực hết mình. Tôi đã học hành chăm chỉ và tìm được niềm say mê trong học tập, để đáp lại niềm mong mỏi của cha mẹ. Và đó là lý do mang tôi đến những kết quả học tập và nghiên cứu sau này". Sẽ rời xa công việc nghiên cứu và phân tử NO mà ông đã say mê suốt cả cuộc đời, ông tin rằng những gì mà mình đã dày công gây dựng sẽ được các đồng nghiệp của mình tiếp tục. Ông đánh giá rất cao những học trò của mình: "Năm 1998, khi được mời sang Stockhom để nhận giải Nobel, tôi được phép mời một số khách riêng của mình và tôi đã mời 5 sinh viên, những người đã chung lưng đấu cật với tôi để tìm ra NO. Tôi có những sinh viên rất giỏi, rất thông minh, nếu không có họ, tôi đã không ngồi đây với các bạn".

Có một vị khách khá đặc biệt, chị nghe tin Giáo sư Louis J.Ignarro có mặt tại Việt Nam và tìm mọi cách để đến hội thảo, chỉ để bày tỏ lòng biết ơn với ông bởi chính nhờ kết quả nghiên cứu của ông, chị đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi tuổi đời còn trẻ. Là bác sĩ, song chị cũng đã bị căn bệnh tim mạch tấn công sau khi sinh con thứ ba. Tình cờ, gia đình chị được một người y tá mách cho một loại thuốc được sản xuất từ kết quả nghiên cứu của Giáo sư Louis J.Ignarro và chính nó đã mang lại cho chị cuộc sống. Nghẹn ngào, chị nói lời cảm ơn và bày tỏ mong muốn các bác sĩ Việt Nam sớm nắm bắt được các thành tựu khoa học thế giới để có giải pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh, giúp họ và gia đình có được niềm hạnh phúc được sống và sống khỏe. Từng liên tiếp mất hai người thân vì các bệnh lý tim mạch, tôi thấu hiểu sự biết ơn của người phụ nữ ấy đối với Giáo sư Louis J.Ignarro và mong muốn của chị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một giờ với giáo sư đoạt giải Nobel y học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.