Theo dõi Báo Hànộimới trên

Coi chừng “sập bẫy” xuất khẩu lao động

Hoàng Phong| 26/07/2012 07:00

(HNM) - Những chiêu lừa xuất khẩu lao động (XKLĐ) không còn theo cách rỉ tai, cậy nhờ người quen làm ở chỗ này, chỗ kia mà ngày càng công khai, tinh vi thông qua mạng internet. Nếu không tỉnh táo người lao động dễ


Người lao động cần phải tỉnh táo để tránh bị lừa khi tìm kiếm những cơ hội xuất khẩu lao động qua mạng.

Chỉ cần gõ từ khóa "tuyển dụng lao động sang Canada" trên địa chỉ tìm kiếm nổi tiếng Google, rất nhiều kết quả đã hiện ra. Chúng tôi gọi điện đến một công ty rao tuyển dụng lao động, được nhân viên tổng đài cho biết, hiện đang tuyển lao động ngành chế biến thủy sản, xây dựng, bảo vệ. Điều kiện tuyển dụng khá đơn giản, chỉ cần bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng nghề do các trường đào tạo nghề cấp; có sức khỏe, không tiền án tiền sự, ưu tiên biết tiếng Anh, Pháp và đặt cọc 1.500USD… Thời hạn làm việc 2 năm và có thể gia hạn thêm 2 năm, ăn ở miễn phí… Lương cơ bản khoảng 80 triệu đồng, chưa kể tiền làm thêm, mỗi năm được về Việt Nam 2 tuần... Khi chúng tôi đề cập đến chuyện cấp phép cũng như tính bảo đảm của chương trình thì câu trả lời nhận được là không cần vì đây là hình thức tuyển dụng trực tiếp nên họ chỉ cần báo cáo với Cục Quản lý lao động ngoài nước…

Ngoài thị trường Canada, Bồ Đào Nha, thị trường XKLĐ "mới toanh" của Việt Nam đã có đơn vị tuyển dụng qua mạng. Đó là Công ty cổ phần Giáo dục và phát triển nhân lực HT Việt Nam (74 Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội). Đối tượng tuyển dụng là nam, từ 22 đến 35 tuổi; làm nông nghiệp với hợp đồng là 2 năm, có thể gia hạn từ 3-5 năm nữa. Người LĐ sẽ được lo chỗ ăn ở, mức lương 14,5 triệu đồng/tháng; làm thêm có thể đạt từ 18 đến 25 triệu đồng/tháng; sau một năm làm việc được thưởng một tháng lương cơ bản...

Được xuất cảnh làm việc tại các nước phát triển như Canada và Bồ Đào Nha là mơ ước của không ít LĐ. Vì vậy, những thông tin tuyển dụng nóng hổi như trên thu hút được sự quan tâm đặc biệt. Trong khi cơ quan quản lý nhà nước về XKLĐ khẳng định, hầu hết lời rao không phải là công ty đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép thực hiện thí điểm đơn hàng này. Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) liên tiếp có hai thông điệp cảnh báo về việc tuyển chọn lao động Việt Nam đi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại Bồ Đào Nha, Canada. Những thông tin tuyển dụng này xuất hiện trên mạng Internet do một số cá nhân, tổ chức đứng ra thực hiện. Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết thêm, thị trường XKLĐ này rất hấp dẫn nhưng yêu cầu và điều kiện đặt ra cũng vô cùng khắt khe về tay nghề, ngoại ngữ và thủ tục. Đến nay, các hoạt động đưa LĐ sang làm việc tại hai thị trường mới này chỉ là thí điểm. Sau một thời gian triển khai, chỉ có một số rất ít LĐ đủ tiêu chuẩn.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đã khẳng định, đối với việc đưa lao động sang Bồ Đào Nha, Cục đã chấp thuận cho duy nhất Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Thăng Long (TLG) có trụ sở tại tỉnh Bắc Ninh triển khai thực hiện hợp đồng thí điểm một số lao động đi làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Cho đến thời điểm này Công ty TLG chưa liên kết tuyển lao động với bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức nào. Còn với thị trường Canada, trong khi hai doanh nghiệp xuất khẩu lao động được cấp phép thí điểm là Châu Hưng và Simco Sông Đà đã gần như bỏ cuộc bởi sau nhiều năm đầu tư, khai thác mà đưa được rất ít lao động đi do điều kiện để LĐ được cấp phép vào nước này là rất khó như phải đạt trình độ tiếng Anh IELTS từ 5.5 - 6.0 và chủ yếu khuyến khích nhập lao động trình độ cao.

Từ thực tế này, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động cần cảnh giác tránh bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng lừa đảo tiền. Người lao động cần liên hệ trực tiếp với văn phòng các công ty XKLĐ có uy tín và đã được cấp phép hoặc liên lạc trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước để kiểm tra xem các đơn hàng tuyển dụng LĐ đi làm việc tại nước ngoài mà mình định tham gia đã được các cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép hay chưa? Danh sách các thị trường và DN XKLĐ được cấp phép, được cập nhật thường xuyên trên website của Cục tại địa chỉ: www.dolab.gov.vn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Coi chừng “sập bẫy” xuất khẩu lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.