Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tôi viết khi cảm xúc dâng trào

THANHNGA| 26/07/2003 12:45

Từ lâu, tên tuổi của nhạc sĩ Doãn Nho đã được đông đảo những người yêu nhạc biết đến. Tên ông gắn liền với tên những bài hát mà ông sáng tác như “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Người con gái sông La”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”... Những bài hát ấy đã một thời làm rung động bao con tim Việt Nam. Đấy là những bài hát vượt qua thời gian và đi cùng năm tháng.

Nhạc sĩ Doãn Nho cùng "Cô gái Sông La" Từ lâu, tên tuổi của nhạc sĩ Doãn Nho đã được đông đảo những người yêu nhạc biết đến. Tên ông gắn liền với tên những bài hát mà ông sáng tác như “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Người con gái sông La”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”...

Những bài hát ấy đã một thời làm rung động bao con tim Việt Nam. Đấy là những bài hát vượt qua thời gian và đi cùng năm tháng. Sau đây là cuộc trao đổi của chúng tôi với nhạc sĩ Doãn Nho.

Thưa nhạc sĩ, trong cả quá trình sáng tác của mình, nhạc sĩ có nhớ mình đã sáng tác được bao nhiêu ca khúc ?
Từ khi đặt bút sáng tác cho đến nay, tôi đã sáng tác khoảng trên 100 ca khúc. Sắp tới tôi đang có ý định tuyển tập những ca khúc này để mọi người đều biết và sử dụng. Hơn nữa, trong tuyển tập này có những thể loại đã được phổ biến rộng rãi và có những thể loại chưa hoặc ít được phổ biến rộng rãi trong quần chúng để giới phê bình, lý luận cũng nắm được.

Âm nhạc có rất nhiều thể loại và nó rất đa dạng. Nhạc sĩ có thể cho biết những thể loại âm nhạc nào chưa được phổ biến rộng rãi trong quần chúng ?
Hiện nay, ngoài những bài hát về Hà Nội, tôi đang viết về thể loại Thanh - Xướng - Kịch có lời (ô-ra-tô-ri-ô). Đây là thể loại hợp xướng có nhân vật. Ví dụ như thanh xướng kịch “Trảy hội Đền Hùng” đã được giải nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam 1995. Trong đó hai nhân vật chính là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Còn dàn hợp xướng là 100 người con. Ca khúc này do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trình bày. Ngoài ra còn có những ca khúc nghệ thuật (Romance) được viết với phần đệm piano có tính biểu hiện cao. Những thể loại này không phổ biến rộng rãi trong quần chúng. Nó là loại nhạc mang tính chất thính phòng, thường đi sâu vào khía cạnh riêng tư cho nên có thể chỉ thích hợp với một số người.

Nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng bao giờ cũng là sự rung cảm đích thực của trái tim người nghệ sĩ. Để có được những ca khúc đầy khí thế hào hùng mang hơi thở của thời đại, đi vào lòng người như vậy thì cảm xúc của ông trước khi đặt bút viết những ca khúc ấy? Thời gian để hoàn thành một ca khúc?
Tôi là nhạc sĩ của quân đội nên những sáng tác của tôi thường gắn liền với những chiến công oanh liệt, những hy sinh thầm lặng, tình đồng chí đồng đội cao cả, khí phách anh hùng của những người lính. Bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” tôi đã có ý định viết khi xem một buổi diễn tập xe tăng ở Vĩnh Yên trước khi xe tăng xuất trận đánh địch ở Làng Vây (Khe Sanh) năm 1968. Năm 1971, khi đọc bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh đăng trên báo Nhân dân, như đồng điệu với tâm hồn của nhà thơ, tôi đã phổ nhạc cho thơ. Bài “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Cô gái sông La” cũng là những cảm xúc rất thật dâng trào của tôi khi tôi đến những nơi đã từng có bom rơi, máu đổ, được nghe và tận mắt chứng kiến những hình ảnh thương đau và anh dũng ấy. Niềm ấp ủ để viết một tác phẩm có thể là rất lâu, nhưng khi cảm xúc đã dâng trào, tôi chỉ viết trong vòng 2 - 3 tiếng.


Nhạc sĩ còn nhớ tên ca khúc đầu tiên mà nhạc sĩ đã sáng tác? Suy nghĩ của ông về những tác phẩm "đầu tay" khi mới vào nghề ấy như thế nào?
Hợp xướng “Sóng cửa Tùng” là ca khúc đầu tiên tôi sáng tác năm 1955, khi ấy tôi 22 tuổi. Hợp xướng này là 1 trong 5 bài được giải thưởng Nhà nước (sau Giải thưởng Hồ Chí Minh). Khi mới vào nghề, do chưa được đào tạo cơ bản, lại chưa ngấm sâu dân ca Việt Nam nên những ca khúc mà tôi sáng tác thường bị ảnh hưởng bởi những ca khúc có yếu tố nước ngoài. Ví dụ bài “Đào than” nhạc bài hát rất Tây, còn bài “Bà mẹ nuôi” lại lai nhạc Tàu. Sau đó, trong một lần tình cờ may mắn tôi đã được gặp hai nhạc sĩ Đỗ Nhuận và Nguyễn Xuân Khoát. Hai nhạc sĩ đã khuyên tôi phải học nhiều dân ca Việt Nam để viết ra những bài hát mang hồn dân tộc, mang hơi thở của thời đại và đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Đây chính là bước ngoặt trong cuộc đời sáng tác của tôi.

Với dòng nhạc mới hiện nay, một số người cho rằng phần lớn các ca khúc rất nhạc nhẽo, ý nghĩa thì hời hợt theo kiểu “ăn xổi”. Không những thế, ở đâu ta cũng nghe thấy các ca sĩ biểu diễn những bài nhạc Hoa, nhạc Thái... nhưng lại được một số đông các bạn trẻ đón nhận. Là một nhạc sĩ, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Thị hiếu đòi hỏi cái mới của công chúng là nhu cầu thiết yếu. Loại nhạc mới hiện nay được các bạn trẻ yêu thích cũng rất cần, đừng phủ nhận nó. Nhưng người sáng tác và người thưởng thức phải biết nhận thức rõ ràng đâu là loại hình nghệ thuật đích thực và đâu là loại hình “ăn xổi”. Các sáng tác cần phải có mỹ cảm, nằm trong định hướng thẩm mỹ lành mạnh của dân tộc. Ngôn ngữ âm nhạc cũng như ngôn ngữ nghệ thuật không tránh khỏi sự giao lưu lẫn nhau giữa các nước, đó là quy luật. Có điều nhạc sĩ phải biết sử dụng những quy luật ấy để tạo nên những tác phẩm đích thực, tiến tới một nền nghệ thuật đích thực.

Là một nhạc sĩ của hai thời kỳ, thời kỳ kháng chiến gian khổ và thời kỳ đất nước đổi mới, Nhạc sĩ có thể cho biết sáng tác nhạc trong thời kỳ nào khó hơn? Hiện nay không có nhiều ca khúc hay, theo ông là do đâu?
Thời kỳ nào cũng có cái khó của nó. Thời kỳ đổi mới rất khó, đặc biệt với lứa tuổi chúng tôi. Chúng tôi phải tự vượt khó để nắm được hơi thở của cuộc sống hôm nay, như đã nắm được hơi thở của những ngày chiến tranh. Các nhạc sĩ trẻ có thuận lợi hơn, bởi thời đại hôm nay chính là thời đại của họ. Tuy nhiên, nếu không chịu hòa mình vào thực tế sôi động và gian khổ của ngày hôm nay thì cũng khó có được những sáng tác, hay có lẽ vì thế một số tác phẩm hôm nay chưa làm cho công chúng thỏa mãn.

Xin cảm ơn nhạc sĩ.

Thu Hiền
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tôi viết khi cảm xúc dâng trào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.