Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng Đại Mỗ

ANHTHU| 22/11/2003 08:47

Làng Đại Mỗ (Kẻ Mỗ) nằm ven đường 70, là một trong 4 thôn của xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, cách thị xã Hà Đông chỉ 4 km về phía Tây. Trước Cách mạng, làng thuộc tổng Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Từ năm 1961 được cắt về Hà Nội...

Quay tơ tại Hà Đông

Làng Đại Mỗ (Kẻ Mỗ) nằm ven đường 70, là một trong 4 thôn của xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, cách thị xã Hà Đông chỉ 4 km về phía Tây. Trước Cách mạng, làng thuộc tổng Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Từ năm 1961 được cắt về Hà Nội.

Đại Mỗ xưa có tên là Thiên Mỗ, tên chung cho cả làng Tây Mỗ hiện nay. Đây là một làng cổ, nằm trong hệ thống “Bảy làng La, Ba làng Mỗ” ở ven thị xã Hà Đông. Ngoài nghề làm ruộng, dân làng còn có nghề nuôi tằm, dệt với sản phẩm lĩnh rất nổi tiếng “The La, lĩnh, Mỗ, chồi Phùng”, nghề đan lưới, mây tre đan, làm giấy trang kim, nghề gò … Do ở vị trí giao thông thuận lợi nên buôn bán của làng cũng khá phát đạt.

Đại Mỗ là làng văn vật, là một trong “Tứ danh hương” hay “Tứ quý”, tức bốn nơi nổi tiếng về văn học của đất Từ Liêm xưa (Mỗ - La - Canh - Cót) ). Làng có 4 vị đỗ đại khoa là :

- Bùi Nguyên (1474 - 1523): đỗ Bảng nhãn năm 1505, được liệt vào hàng “Tiết nghĩa” của triều Lê Trung Hưng..

- Nguyễn Vũ (1457-1516): đỗ Hoàng giáp năm 1514, làm quan Binh bộ Tả thị lang.

-Nguyễn Quý Đức (1648 -1720): đỗ Đình nguyên Thám hoa năm 1676, Quý Đức, làm quan đến Tham tụng, Thượng thư các bộ : Hộ, Hình, Đông các đại học sĩ, hàm Thiếu phó, tước Liêm Đường hầu, gia phong Tá lý công thần. Năm 1691, ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh, đấu tranh giành lại phần đất biên giới phía Bắc bị thổ quan Quảng Tây lấn chiếm.Ông là nhà chính trị tài ba đứng đầu bách quan hàng hơn mười năm, được nhiều người suy tôn và noi theo. Dư luận phần nhiều khen ngợi ông”.

Nguyễn Quý Đức còn có nhiều đóng góp trên mặt trận văn hoá giáo dục, cùng Lê Hy biên soạn Đại Việt sử ký bản kỷ tục biên, đề xuất và trực tiếp đốc thúc tiến hành lập bia ghi tên các tiến sĩ các khoa thi từ năm 1656 đến năm 1715, sửa chữa Quốc Tử Giám… Ông còn hiến cho làng 10 mẫu ruộng, trích 4 mẫu để lập chợ Khánh Nguyên tức chợ Mỗ - một chợ lớn trong vùng. Do vậy, Nguyễn Quý Đức được dân làng Đại Mỗ tôn làm thành hoàng.

- Nguyễn Quý Ân (1673 -1722): là con trưởng Nguyễn Quý Đức, đỗ Hoàng giáp năm 1715, làm quan đến chức Bồi tụng (Phó Tể tướng).

Ngoài 4 Tiến sĩ, làng Đại Mỗ có 27 người đỗ Hương cống, Cử nhân, trong đó có đến 23 người thuộc dòng họ của Nguyễn Quý Đức. Trong số họ, có con trai Nguyễn Quý Ân là Nguyễn Quý Kính làm quan Tham tụng, Hình bộ Thượng thư. Ba bố con - ông cháu làm quan to trong triều, nhiều công lao với triều chính, với dân làng nên được dân làng tôn làm Phúc thần, gọ là “Tam vị đại vương”.

Đại Mỗ hiện còn một cụm di tích khá phong phú, gồm Thiên Thọ đình (đình ngàn tuổi) và chùa Trùng Quang, Nhà thờ họ Nguyễn Quý hiện còn nhiều bia cổ ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân Nguyễn Quý Đức, Quý Ân và Quý Kính, Lạc Thọ đình là nơi Nguyễn Quý Đức khi về hưu tại ở quê nhà thường ngâm vịnh với những bạn già đồng liêu trước đây như Nguyễn Đương Bao, Đặng Đình Tướng, Miếu thờ Hoàng giáp tại xứ Vườn Chùa thờ Quốc sư đại vương Nguyễn Quý Ân, Miếu Nhà Cảnh nơi thờ Nguyễn Quý Kính …

TS. Bùi Xuân Đính

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng Đại Mỗ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.