Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chiến tranh thép” giữa Mỹ và EU

THUHANG| 14/11/2003 11:25

Ngày 10-11, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra thông báo khẳng định mức biểu thuế  mà Mỹ áp đặt đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành công nghiệp thép của nước này là bất hợp pháp, vi phạm luật thương mại quốc tế. Mỹ phải có biện pháp chấm dứt tình trạng này tức khắc nếu không sẽ bị trả đũa từ đầu tháng 12.

Ngày 10-11, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra thông báo khẳng định mức biểu thuếmà Mỹ áp đặt đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành công nghiệp thép của nước này là bất hợp pháp, vi phạm luật thương mại quốc tế. Mỹ phải có biện pháp chấm dứt tình trạng này tức khắc nếu không sẽ bị trả đũa từ đầu tháng 12.

Phán quyết trên đồng nghĩa với một chiến thắng lịch sử cho Liên minh châu Âu (EU), Bra-xin, Nhật Bản, Trung Quốc, Niu Di-lân, Na Uy, Hàn Quốc và Thụy Sĩ - các nước phản đối thuế thép nhập khẩu của Mỹ, đồng thời tạo ra một áp lực mới đòi Mỹ dỡ bỏ hàng rào thuế quan vô lý của họ. Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp trả đũa mà theo đó Mỹ sẽ mất 2,2 tỷ USD tiền thuế mỗi năm.

EU và các nước nêu trên đã gửi đơn khiếu nại lên WTO phản đối các biện pháp thuế mà Mỹ áp dụng từ tháng 3-2002 đối với mặt hàng thép nhập khẩu vào Mỹ. Trước đó, vào tháng 7, WTO cũng đã ra một phán quyết lên án Mỹ bảo hộ ngành công nghiệp thép ở trong nước, đồng thời WTO ủng hộ EU tiến hành các biện pháp trả đũa.

Mỹ hiện đang chịu sức ép từ hai phía để thực hiện những quyết định của WTO. áp lực thứ nhất đến từ các đối tác thương mại của Mỹ. ủy ban châu Âu đã soạn xong một danh sách liệt kê các hàng hóa bị đánh thuế cao của Mỹ, trị giá khoảng 2,2 tỷ USD/năm, bao gồm xe máy, các loại hoa quả và hàng dệt may. EU, với ngành thép vốn đã phải trải qua một cuộc tổ chức lại với nhiều mất mát, đặc biệt nhạy cảm trong vấn đề này cho biết, họ tính toán nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu từ các bang ủng hộ đảng Cộng hòa của Mỹ và có vai trò quyết định trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới nhằm gây thiệt hại nặng nhất cho Tổng thống Bu-sơ.

Nhật Bản cho biết họ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt Mỹ trong vòng 1 tháng nếu Mỹ không tuân theo quyết định của WTO. Các nước khác cũng cho biết là họ sẽ có các biện pháp trừng phạt của riêng mình. Mặt khác, Tổng thống Mỹ G.W. Bu-sơ cũng phải tính đến những áp lực của các công ty tiêu thụ thép trong nước. Họ đã phải chịu thiệt hại do thuế đánh trên mặt hàng này từ 18 tháng nay.

Việc tăng thuế đã buộc họ phải sa thải công nhân khiến tình trạng thất nghiệp thêm nặng nề, cho dù biện pháp tăng thuế nhập khẩu thép có mang lại một chút dưỡng khí cho ngành công nghiệp èo uột này ở các tiểu bang Ô-hai-ô, Tây Viếc-gi-ni-a hay Pen-xin-va-ni-a, những địa phương có tính chất chiến lược về mặt chính trị đối với Tổng thống Bu-sơ. Nhưng ngày nay ngành thép không còn là ngành công nghiệp hàng đầu ở Mỹ. Bên cạnh đó, dư luận nước Mỹ cũng cho rằng, trong tương lai, việc bãi bỏ tăng thuế nhập khẩu sản phẩm thép vào Mỹ sẽ chỉ tốt hơn cho ngành sản xuất thép của nước này mà thôi.

Đó là những yếu tố khiến Mỹ có thể sẽ nhượng bộ các đối tác thương mại và là bài toán mà ông Bu-sơ phải tính. Tuy vậy, việc buộc Mỹ sớm tuân thủ phán quyết của WTO được xem là chẳng dễ dàng gì. Mỹ đã phản đối phán quyết này và tuyên bố sẽ duy trì mức thuế từ 8 đến 30% trong vòng 3 nămđối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ châu Âu và một số nước châu á, Mỹ La-tinh. Bị thiệt hại nặng nhất do chính sách trên của Mỹ là Trung Quốc, quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới. Trong 9 tháng đầu năm nay, số lượng thép Trung Quốc xuất sang Mỹ bị giảm 15%.

Các biến động liên quan đến các sản phẩm sắt, thép trên thị trường quốc tế đều ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam do nguồn hàng này của nước ta chủ yếu được nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực này phải vài tháng nữa ảnh hưởng này mới tác động đến thị trường Việt Nam do khác biệt giữa thời gian mua và nhập hàng.

TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chiến tranh thép” giữa Mỹ và EU

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.