Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn trọng khi mua nhà, đất trên mạng

Dung Nhi| 07/07/2022 06:12

(HNM) - Quảng cáo sai sự thật, tạo địa chỉ giả nhằm lấy thông tin khách hàng, mạo danh chủ nhà hoặc thuê căn hộ chung cư rồi lừa bán… là những chiêu trò của “cò mồi" bất động sản làm ăn không chân chính nhằm “móc túi” người mua nhà thiếu hiểu biết. Thực tế, các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm minh nhiều đối tượng lừa đảo, tuy nhiên, hành vi này vẫn không giảm, người dân cần cẩn trọng để tránh thiệt hại không đáng có.

Người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi mua nhà, đất trên mạng internet. Ảnh: Đỗ Tâm

Lật tẩy các chiêu trò

Anh Nguyễn Mạnh Hải (phường Bồ Đề, quận Long Biên) là một nạn nhân của các chiêu trò môi giới nhà, đất cho hay, tháng 5-2022, anh có nhu cầu mua nhà nên đã tham gia vào nhiều hội, nhóm về bất động sản, mua bán nhà trên mạng xã hội để tìm hiểu. Sau đó anh gọi cho số điện thoại của người bán và tìm đến địa chỉ ở phố Bồ Đề (quận Long Biên). Thế nhưng, khi đến nơi tình trạng của ngôi nhà khác hoàn toàn so với thông tin quảng cáo. Ngôi nhà được mô tả là nằm ở ngõ to, hai ô tô tránh nhau; nhà 4 tầng, mặt tiền 5m thông thoáng. Nhưng thực tế, ngôi nhà nằm sâu trong một ngõ nhỏ, diện tích mặt tiền chỉ 3m. Anh Hải gọi điện thoại cho người rao bán thì được biết mảnh đất anh định mua hiện đã bán nên họ giới thiệu cho anh mảnh đất khác. “Tuy nhiên, thực chất đây là chiêu trò dụ khách của người môi giới, đưa thông tin giả lên các hội, nhóm nhằm thu thập số điện thoại và thông tin của khách hàng, sau đó giới thiệu sản phẩm bất động sản khác”, anh Hải chia sẻ.

Một chiêu trò tinh vi khác là các đối tượng môi giới không đủ tiêu chuẩn tham gia vào hệ thống bán hàng của các dự án lớn nhưng lại lấy thông tin của các công ty, đại lý bất động sản chính thống đăng tải trên mạng xã hội, trang quảng cáo, rao vặt để lừa đảo hoặc dụ khách hàng mua nhà, đất ở vị trí khác. Đáng nói hơn, nhiều đối tượng lấy thông tin căn hộ ở các tòa chung cư và đăng bán cho khách hàng với mục đích lừa đảo. Cụ thể, trên nhóm Cộng đồng cư dân Vinhome Ocean Park Gia Lâm, trong tháng 2-2022, tài khoản Facebook tên Tramy. cảnh báo tới các thành viên về việc tài khoản tên Nguyễn Bá Nghĩa đã tự ý rao bán căn hộ 1 phòng ngủ mà chủ tài khoản Tramy. và gia đình đang sinh sống trên các trang mạng với giá 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó, chủ tài khoản Tramy. không có ý định bán nhà.

Cũng tại nhóm Cộng đồng cư dân Vinhome Ocean Park Gia Lâm, tài khoản tên Thuy Khunglong ở tòa nhà S2 Ocean Park đã cảnh báo đến cư dân có đối tượng giả dạng làm khách vào xem nhà chị để thuê nhà, xin quay video nhà và “sổ đỏ” để chứng minh là chính chủ. Tuy nhiên, dữ liệu này sau đó được đối tượng dùng để lừa đảo bằng chiêu trò rao bán căn hộ 2 phòng ngủ đã bị ngân hàng phát mại do chủ nhà nợ xấu, với giá rẻ 1,4 tỷ đồng. Một người mua đã "sập bẫy", nộp tiền đặt cọc và chỉ khi đến trao đổi với chủ nhà để làm các thủ tục liên quan mới phát hiện mình bị lừa.

Bị cáo Nguyễn Quang Huy (quận Ba Đình) thuê 5 căn hộ chung cư để làm giả hồ sơ thể hiện là chủ sở hữu hợp pháp rồi rao bán, tại phiên tòa xét xử được tổ chức tháng 3-2022. Ảnh: Nguyễn Hưng

Cần tỉnh táo khi giao dịch

Với tình trạng nêu trên, không ít nạn nhân đã rơi nước mắt ân hận, nhiều kẻ lừa đảo đã cao chạy xa bay, song không ít đối tượng bị sa lưới pháp luật. Điển hình là trường hợp Vũ Thị Nguyệt (sinh năm 1979, thôn 6, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất), mặc dù bị tuyên án tù chung thân vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hồi tháng 7-2020, đang trong thời gian chờ chấp hành án (được tại ngoại vì nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi) nhưng tháng 5-2021, Nguyệt tiếp tục bị tố làm giả giấy tờ căn hộ chung cư tại tòa FLC Complex 36 Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) để lừa bán cho nhiều người.

Mới đây, tại phiên tòa ngày 28-3-2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng tuyên phạt Nguyễn Quang Huy (39 tuổi, quận Ba Đình) 23 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Hành vi của Huy là thuê 5 căn hộ chung cư ở tòa nhà Golden West và tòa nhà Hei Tower thuộc quận Thanh Xuân và làm giả hồ sơ, giấy tờ thể hiện là chủ sở hữu hợp pháp các căn hộ chung cư này, rồi rao bán, chiếm đoạt bất chính 16 tỷ đồng và chưa bồi thường cho các bị hại.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, có một số nạn nhân bị lừa đảo mua phải nhà, đất ảo phản ánh với hội. Trước thực trạng này, nhằm bình ổn thị trường bất động sản và giúp các nhà đầu tư mua bán nhà, đất an toàn, theo ông Nguyễn Văn Đính, hội dự kiến sẽ mở trang thông tin nhằm giới thiệu các dự án nhà ở, đất ở, nêu rõ thông tin đơn vị nào là chủ đầu tư, phân phối dự án. Đồng thời, công khai danh sách các đơn vị bán hàng, nhà môi giới đủ điều kiện, có chứng chỉ hành nghề với đầy đủ danh tính cho các nhà đầu tư có cơ sở tra cứu dữ liệu, thông tin minh bạch.

Cũng để tránh xảy ra tình trạng lừa đảo đáng tiếc, theo ông Nguyễn Văn Đính, người dân cần tỉnh táo, cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin liên quan trước khi quyết định mua nhà, đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng khi mua nhà, đất trên mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.