Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hạ nhiệt” mâu thuẫn tại chung cư

Dạ Khánh| 11/02/2020 07:35

(HNM) - Chủ động, tăng cường công tác quản lý nhà nước về nhà chung cư là giải pháp của thành phố Hà Nội nhằm “hạ nhiệt” các mâu thuẫn giữa cư dân - chủ đầu tư - ban quản trị. Qua đó từng bước đưa công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố vào nền nếp...

Chủ đầu tư chung cư Cảnh sát 113 (quận Cầu Giấy) đã chuyển giao 1,8 tỷ đồng trong số hơn 3 tỷ đồng kinh phí bảo trì cho ban quản trị. Ảnh: Phong Châu

79/89 chung cư có đơn kiến nghị, tranh chấp đã được giải quyết

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố có 883 chung cư thương mại, 174 chung cư tái định cư được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, quá trình sử dụng đã xảy ra không ít mâu thuẫn trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng. 89 chung cư có đơn kiến nghị, tranh chấp giữa cư dân - ban quản trị - chủ đầu tư, chủ yếu xoay quanh các vấn đề: Chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị, chậm bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ hồ sơ kỹ thuật, kinh phí bảo trì 2%, diện tích sở hữu chung - riêng...

Để từng bước “hạ nhiệt” mâu thuẫn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, UBND thành phố đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tổ chức tập huấn quy định của pháp luật về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư cho UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn, ban quản trị; yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, đôn đốc, xử lý theo quy định những chủ đầu tư chậm triển khai hội nghị nhà chung cư thành lập ban quản trị, bàn giao kinh phí bảo trì... Đến nay, Sở Xây dựng đã phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, giải quyết được 79/89 chung cư có đơn kiến nghị, tranh chấp; lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 14 chủ đầu tư với số tiền 985 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu với UBND thành phố ra văn bản yêu cầu 20 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2%...

Nhờ tăng cường công tác quản lý nhà nước, việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố đã chuyển biến tích cực. Đến nay, có 596 chung cư thương mại, 103 chung cư tái định cư đã thành lập ban quản trị; 497 chung cư thương mại, 91 chung cư tái định cư đã bàn giao hồ sơ tòa nhà; 316 chung cư thương mại, 66 chung cư tái định cư đã bàn giao kinh phí bảo trì 2%...

Chung cư StarCity (quận Thanh Xuân) là một trong những chung cư đã từng xảy ra mâu thuẫn, Phó Trưởng ban quản trị chung cư Đinh Thị Cẩm Vân cho biết, nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đến nay, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại VNECO Hà Nội đã chuyển trả hơn 17 tỷ đồng trong số gần 30 tỷ đồng kinh phí bảo trì cho ban quản trị. Khoản kinh phí này giúp ban quản trị có nguồn lực để bảo trì, vận hành tòa nhà, bảo đảm môi trường sống an toàn của cư dân. Tại chung cư Cảnh sát 113 (quận Cầu Giấy), Trưởng ban quản trị Nguyễn Thị Nhã chia sẻ, hiện chủ đầu tư cũng đã chuyển giao 1,8 tỷ đồng trong số hơn 3 tỷ đồng kinh phí bảo trì...

Các cấp, ngành tiếp tục vào cuộc

Mặc dù đã có chuyển biến tích cực, song việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư vẫn còn những tồn tại hạn chế như: Công tác tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị chưa được đôn đốc kịp thời và không ít trường hợp chậm tổ chức so với quy định; khiếu kiện trong quá trình quản lý, sử dụng vẫn còn nhiều...

Để kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập, ngày 28-6-2019, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố nhằm xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước và người đứng đầu từ thành phố đến cơ sở. UBND thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 241/KH-UBND, ngày 15-11-2019, triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TU, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã…

Đề cập đến các giải pháp trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong quý I-2020, Sở tiếp tục tổ chức tập huấn cho UBND các quận, huyện, thị xã các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư; đề xuất mô hình đầu tư, xây dựng hệ thống giám sát hoạt động quản lý, vận hành các tòa nhà chung cư. Đồng thời, Sở triển khai thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư...

Về phía các địa phương, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận đã ban hành Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 13-12-2019 thực hiện nghị quyết, kế hoạch của thành phố. Quận huy động hệ thống chính trị tham gia giám sát việc giải quyết các vụ việc nảy sinh trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; kiểm tra định kỳ đối với các nhà chung cư trên địa bàn để chủ động xác định những vấn đề còn tồn tại, qua đó kịp thời giải quyết.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc, quận đã ban hành Kế hoạch số 282/KH-UBND ngày 24-12-2019, thành lập Đoàn kiểm tra việc tuân thủ các quy định về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn từ nay đến hết ngày 10-12-2020, nhằm kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn khắc phục những tồn tại.

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, hy vọng các tranh chấp, xung đột đang tồn tại trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố sẽ sớm được hóa giải; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng như xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hạ nhiệt” mâu thuẫn tại chung cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.