Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Kế Tấn - ''Người của những công việc mới và khó, cần sự đột phá''

Ðinh Thạo| 15/08/2021 05:47

(HNNN) - Sinh thời, Hà Kế Tấn (1912 - 1997) được ví là “người của những công việc mới và khó, cần sự đột phá”. Đặc biệt, trong lĩnh vực quy hoạch thủy lợi, trị thủy, phục vụ quá trình hiện đại hóa đất nước, ông được tôn vinh là “Người đặt nền móng chiến lược” với tầm nhìn xa trông rộng.

Chỉ huy công trường Hà Kế Tấn đưa Bác Hồ thăm công trình Bắc Hưng Hải. Ảnh: Tư liệu

“Ông Tấn thủy lợi”

Hà Kế Tấn quê ở làng Mông Phụ, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Sớm được giác ngộ cách mạng, năm 1936 ông tham gia Ban vận động phong trào Đông Dương Đại hội, đi vận động công nhân trong các công xưởng quyên tiền mua, đọc, ủng hộ báo Đảng, huấn luyện công nhân về phương pháp tổ chức đấu tranh. Tháng 6-1937, Hà Kế Tấn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 6-1940, ông bị thực dân Pháp bắt. Tháng 8-1944, ông được bố trí vượt ngục và được Trung ương cử làm Trưởng ban Công vận Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 8-1945, ông tham gia lãnh đạo giành chính quyền ở 2 tỉnh Hà Nam và Nam Định.

Trong kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), Hà Kế Tấn được giao nhiều chức trách quan trọng như Chính ủy Mặt trận đường số 4 kiêm Chính ủy Trung đoàn 28 Lạng Sơn, Tư lệnh Quân khu 3... Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết, ông được giao nhiệm vụ tổ chức Đại đoàn 350 có nhiệm vụ bảo vệ Trung ương và Hà Nội, làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy và tham gia Ủy ban Quân chính Hà Nội. Những năm 1955 - 1957, ông là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội. Năm 1958, ông được thăng quân hàm Đại tá.

Ngày 27-8-1958, Hà Kế Tấn được điều trở lại lĩnh vực dân sự, làm Trưởng Ban chỉ huy công trường xây dựng hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Khởi công ngày 1-10-1958, chỉ trong 5 tháng, công trường đã đào đắp được hơn 6 triệu m3 đất đá, 12 ngàn m3 bê tông, 10 vạn m3 đá hộc và hoàn thành vào ngày 1-5-1959 với hệ thống kênh chính dài 200km. Cho đến nay, công trình thủy lợi này vẫn phát huy tác dụng.

Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960), Hà Kế Tấn được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Ngày 16-1-1961, ông được cử làm Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Trị thủy và khai thác sông Hồng. Giữa năm 1961, ông làm Trưởng đoàn công tác sang thăm, học tập về tổ chức và kinh nghiệm phát triển thủy lợi - thủy điện của Trung Quốc.

Năm 1963, Hà Kế Tấn được bầu làm Bộ trưởng Bộ Thủy lợi kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Trị thủy và Khai thác sông Hồng. Ông được đặt biệt danh là “Ông Tấn thủy lợi” vì có công đầu trong việc kiến tạo bộ máy thủy lợi Việt Nam từ giữa những năm 1960 đến đầu những năm 1970. Trong đó, nổi bật là việc quy hoạch hệ thống thủy lợi Ðồng bằng Bắc Bộ, trị thủy sông Hồng, xây dựng và quản lý hệ thống công trình thủy lợi, thủy điện. Trong công tác phòng, chống thiên tai, năm 1967 ông đề ra phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Cho đến nay, đây vẫn là một trong những nguyên tắc chỉ đạo cơ bản trong công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam.

Người “đặt nền móng” cho “công trình thế kỷ”

Năm 1969, Bộ trưởng Hà Kế Tấn trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị hợp tác với Liên Xô khảo sát và lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho công trình Thủy điện Hòa Bình. Cuối năm 1972, luận chứng do đoàn chuyên gia Liên Xô soạn thảo xong và được thông qua. Việc khảo sát, thiết kế và thi công được giao cho Ban Sông Đà trực thuộc Chính phủ, do Bộ trưởng Hà Kế Tấn làm Trưởng ban.

Tháng 6-1973, Hà Kế Tấn được cử làm Bộ trưởng đặc trách việc khởi công công trình Thủy điện Hòa Bình - “công trình thế kỷ”, và đảm nhiệm chức vụ này đến tháng 5-1978. Mục đích xây dựng công trình không chỉ nhằm giải quyết vấn đề năng lượng mà còn nhằm trị thủy sông Đà, từ đó góp phần trị thủy sông Hồng, cắt lũ cho Ðồng bằng Bắc Bộ, bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Theo các chuyên gia thủy lợi, sông Đà là phụ lưu chính, góp gần 70% lưu lượng lũ sông Hồng, mà hơn một nửa tổng lưu lượng lũ của sông Hồng lại đổ về Hà Nội. Trị thủy sông Đà thành công cũng sẽ trị thủy sông Hồng thành công. Ở góc độ thủy điện, sông Đà là dòng sông có tiềm năng kinh tế rất to lớn với trữ năng của dòng chính là trên 30 tỷ kWh, chiếm đến 1/3 trữ năng kinh tế thủy điện của cả nước. Do vậy, Bộ trưởng Hà Kế Tấn xác định công việc quan trọng nhất là khoan thăm dò để chọn vị trí xây dựng đập thủy điện. Nơi đó phải đáp ứng được 3 yêu cầu: Xây dựng được nhà máy, thân đập và tạo ra một hồ chứa có dung tích lớn, có thể chống được trận lũ lịch sử năm 1971.

Theo kế hoạch mà Bộ trưởng Hà Kế Tấn thống nhất với chuyên gia Liên Xô, ngày 5-10-1971, mũi khoan đầu tiên xuống lòng sông Đà được thực hiện. Trong 6 năm liền, việc khảo sát được bố trí theo 6 tuyến, trên một quãng sông dài 40km. Tuyến 1 là Suối Rút (nay thuộc xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu); tuyến 2 là suối Hoa từ tỉnh Thanh Hóa đổ về sông Đà; tuyến 3 là Chợ Bờ (nay thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc); tuyến 4 là xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc); tuyến 5 là “Hòa Bình trên”; tuyến 6 là “Hòa Bình dưới”. Sau khi các chuyên gia rút lại còn 2 tuyến khả thi là “Hòa Bình trên” và “Hòa Bình dưới” thì Bộ trưởng Hà Kế Tấn đã nghe thuyết trình 2 luận chứng kinh tế kỹ thuật cho công trình.

Các chuyên gia của Viện Thiết kế thủy công Baku (Cộng hòa Azerbaijan thuộc Liên bang Xô viết) chọn phương án “Hòa Bình trên”, cách thị xã Hòa Bình khoảng 6km, với lý do: Ở tuyến dưới có một dãy đá vôi cắt ngang từ lòng hồ xuống hạ lưu, có nhiều hang hốc xử lý phức tạp. Tuyến trên tuy địa hình hẹp, hiểm trở, khó bố trí mặt bằng cho công trường, khó vận chuyển nguyên vật liệu... nhưng có thể khắc phục được. Còn Viện Thiết kế thủy công Mátxcơva chọn tuyến “Hòa Bình dưới” với lý do: Liên Xô đã từng thiết kế và xây dựng thành công đập thủy điện Aswan trên sông Nile ở Ai Cập, nơi có đặc điểm địa chất gần giống lòng sông Đà ở Hòa Bình.

Vì thế, việc xử lý tuyến đá vôi ở vị trí “Hòa Bình dưới” là chắc chắn làm được. Hơn nữa, nơi này chỉ cách thị xã gần 2km, dòng sông thu hẹp chỉ còn gần 300 mét, thích hợp làm thân đập, vai đập; hai bên bờ tương đối bằng phẳng, dễ bố trí mặt bằng cho công trường, dễ vận chuyển nguyên vật liệu, xây dựng nhà ở lẫn công trình phụ trợ cho công trường... Bộ trưởng Hà Kế Tấn đồng ý với phương án này và cuối cùng Trung ương quyết định chọn tuyến “Hòa Bình dưới”.

Vai trò của Bộ trưởng đặc trách Hà Kế Tấn trong quá trình chuẩn bị cho công trình Thủy điện Hòa Bình được đánh giá là rất quan trọng. Trong 5 năm liền ông đã cùng đội ngũ cộng sự hoàn thành xuất sắc giai đoạn “tiền công trình”. Đến ngày 6-11-1979, công trình Thủy điện Hòa Bình (nay là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình) chính thức khởi công, đánh dấu nhiều cột mốc đầu tiên về xây dựng công trình ở Việt Nam: Thi công ngầm, lắp đặt ngầm các tổ máy và công trình phụ trợ; dùng phương pháp màn chống thấm cho con đập cao 128m, dài 743m; xây dựng thân đập có thể chịu được địa chấn cấp 8... Ở thời điểm khánh thành, ngày 20-12-1994, đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á với 12 cửa xả và 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240 MW, tổng công suất lắp máy là 1.920 MW, sản lượng điện hằng năm là 8,6 tỷ KWh.

Vốn là “con người của những công việc mới và khó, cần sự đột phá”, sau khi rời công trình Thủy điện Hòa Bình, Hà Kế Tấn còn đảm nhiệm nhiều trọng trách khác: Bộ trưởng Phủ Thủ tướng (đến ngày 1-4-1980); Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu, ông còn tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam và được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội.

Hà Kế Tấn đã có những cống hiến to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2020, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định đặt tên ông cho một tuyến phố ở Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Kế Tấn - ''Người của những công việc mới và khó, cần sự đột phá''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.