Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cả dân tộc đã vươn lên mạnh mẽ

Tiến sĩ Phan Đăng Khoa| 05/02/2019 10:55

(HNM) - Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn đối với quá trình cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ta trên nhiều phương diện, vạch ra phương hướng cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai.

1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người, tháng 9-1969, gồm 4 trang in khổ 14,5cm x 22cm.

Đây là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Người căn dặn, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Di chúc nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên. Công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Đảng phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Di chúc còn bàn về xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Người yêu cầu, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện nước ta phải đặc biệt chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của dân, “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”...

2. Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện Di chúc của Người, Đảng ta đã tập trung sức lực và trí tuệ lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc cách mạng, đưa cả nước đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Trước vô vàn khó khăn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vượt qua gian khổ và khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh.

Mặc dù trong xây dựng kinh tế, Đảng ta đã phạm những sai lầm, khuyết điểm lớn, nhưng với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng đã thẳng thắn phân tích những nguyên nhân, tiếp tục kiên định mục tiêu, con đường Bác đã chọn; tin tưởng vững chắc vào sức mạnh của nhân dân và dân tộc; khởi xướng, quyết tâm tiến hành đường lối đổi mới.

Kết quả thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sáng rõ nhất là trong hơn 3 thập kỷ đổi mới. Đó là giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đảng vẫn luôn vững vàng, thể hiện rõ bản chất cách mạng và khoa học, kiên định về mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng còn không ngừng xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ; đấu tranh không khoan nhượng với thói hư, tật xấu, với nạn tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao trách nhiệm nêu gương của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và toàn thể cán bộ, đảng viên.

Hơn 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Kinh tế - xã hội thoát khỏi khủng hoảng và tình trạng kém phát triển. Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Văn hóa - xã hội có bước phát triển. Bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Có thể cảm nhận rõ sự vươn lên của đất nước trong hơn 30 năm qua bằng các con số cô đọng cụ thể sau đây. Trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4%. Nhưng ngay trong 5 năm tiếp theo (1991-1995), kinh tế Việt Nam đã tăng gấp đôi với mức 8,2%/năm. Giai đoạn 1996-2000, dù bị tác động của khủng hoảng tài chính khu vực, GDP vẫn duy trì bình quân tăng 7,6%/năm; giai đoạn 2001-2005, GDP tăng bình quân 7,34%/năm. Đặc biệt, trong giai đoạn 2006-2010, trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm, tăng trưởng GDP bình quân vẫn đạt 6,32%/năm; giai đoạn 2011-2015 gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng bình quân vẫn đạt 5,9%/năm. Từ năm 2016, thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới của Đại hội XII, tình hình kinh tế khởi sắc trở lại với mức tăng trưởng 6,21%, cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á (5,5%), khu vực Đông Nam Á (4,5%). Năm 2017, tiếp đà hồi phục, tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 6,81%, là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng trưởng khả quan với mức 6,7%.

Qua hơn 30 năm đổi mới, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và đã có bước tiến to lớn so với 50 năm trước; phần nào đã đáp ứng lòng tin, sự kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2003, sau 16 năm đổi mới, GDP bình quân đầu người ở Việt Nam mới chỉ đạt 471 USD/năm thì đến năm 2017, GDP đầu người đã đạt 2.385 USD/năm.

Hơn 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của Việt Nam; đã khẳng định bản lĩnh, ý chí và tinh thần quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện bằng được ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm trong Di chúc.

3. Với vai trò trung tâm, trái tim của cả nước, TP Hà Nội đã gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đóng góp to lớn vào thành tựu chung của cả nước.

Là đảng bộ có số đảng viên đông nhất cả nước (trên 400.000 đảng viên), Đảng bộ TP Hà Nội luôn phát huy truyền thống đoàn kết cao, tinh thần kỷ cương, kỷ luật mạnh mẽ. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng của TP Hà Nội tiếp tục được đổi mới theo hướng quyết liệt, sâu sát, kịp thời, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Không chỉ nêu gương, đi đầu thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên Thủ đô còn chủ động, có nhiều đổi mới, sáng tạo được Trung ương đánh giá cao, phổ biến và nhân rộng.

Hơn 30 năm qua, kinh tế Thủ đô tăng trưởng vượt bậc: Tốc độ tăng GDP, từ mức bình quân 4,48%/năm trong giai đoạn 5 năm đầu đổi mới (1986-1990), lên mức bình quân 9,3%/năm trong giai đoạn (2009-2015). GDP bình quân đầu người năm 2015 tăng gấp gần 6,4 lần so với năm 1990. Đặc biệt, ngày 1-8-2008, việc thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội về “Điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, đã giúp Hà Nội có thế và lực mới. 10 năm qua, Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực. Quy mô GRDP năm 2017 (theo giá cố định năm 2010) đạt 519.568 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với năm 2008. GRDP bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng (3.910 USD/người), gấp 2,3 lần so với năm 2008 (1.697 USD). Năm 2018, thành phố đã đạt 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 3 năm trở lại đây với mức 7,61%; có 4 huyện và 83,9% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,43% (đầu năm 2009), đến nay (tháng 12-2018) chỉ còn 1,16% theo chuẩn nghèo đa chiều. Nếu không tính hộ nghèo hưởng chính sách bảo trợ xã hội, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố chỉ còn dưới 0,6%. Có 4 quận đã không còn hộ nghèo (Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân). Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay (năm 2008, PCI của Hà Nội cũ là 31/64, Hà Tây cũ là 55/64).

Hà Nội nằm trong nhóm 10 thành phố năng động nhất thế giới. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,1% về dân số, nhưng thành phố đóng góp tới gần 16,5% GDP và hơn 19% về thu ngân sách của cả nước.

*
*     *


50 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua thử thách, giành những thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, đất nước đã bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Di chúc thiêng liêng của Người sẽ tiếp tục là nguồn động lực to lớn giúp cả đất nước, trong đó có Thủ đô thân yêu vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh; sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác hằng mong ước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả dân tộc đã vươn lên mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.