Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

Võ Lâm - Ảnh: Viết Thành| 17/04/2019 08:48

(HNMO) - Sáng 17-4, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ 3 tháng, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng còn lại năm 2019.



Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.


Quang cảnh hội nghị.


Khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước

Báo cáo Bí thư Thành ủy về tình hình kết quả công tác, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Sở có 9 phòng chuyên môn; 230 đơn vị trực thuộc, trong đó có 122 đơn vị công lập. Hiện nay, quy mô giáo dục của thành phố Hà Nội tiếp tục phát triển. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng. Cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại.

Trên địa bàn thành phố hiện có 2.713 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp (tăng 70 trường so với năm học 2017-2018) với hơn 58.400 nhóm lớp và gần 2 triệu học sinh. Trong đó, trường công lập có gần 44.000 nhóm lớp với hơn 1,7 triệu học sinh; trường tư thục có hơn 14.500 nhóm lớp với hơn 256.000 học sinh (tăng hơn 90.000 học sinh so với năm học trước). Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành Giáo dục của thành phố là hơn 155.000 người.

Theo đồng chí Chử Xuân Dũng, chất lượng giáo dục toàn diện của thành phố được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển; việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học, ngành học. Giáo dục và đào tạo Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 197 giải và huy chương quốc tế năm 2018, 134 giải quốc gia năm 2019...

Năm học 2017-2018, Hà Nội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Hà Nội cũng đã triển khai thực hiện tốt Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng...

Tuy nhiên, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố còn gặp nhiều khó khăn, có một số hạn chế cần khắc phục. Báo cáo của Sở và ý kiến phát biểu của các cán bộ chủ chốt của Sở đã làm rõ nhiều vấn đề. Đáng chú ý, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia đang gặp khó khăn về kinh phí, quỹ đất và sĩ số học sinh (sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, số học sinh tăng 41%, nhưng số phòng học chỉ tăng 35%-36%).

Liên quan đến quản lý tài chính, tại một số đơn vị, việc triển khai thực hiện quy trình vận động, tiếp nhận tài trợ chưa đúng; còn xảy ra tình trạng lạm thu, công tác xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe... Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn cụ thể về thực hiện tự chủ tại các trường công lập. 

Sở Giáo dục và Đào tạo nêu 9 nhóm phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu và 14 nhóm kiến nghị, đề xuất. Trong đó, Sở kiến nghị thành phố phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm đáp ứng đủ trường, lớp và nhu cầu học tập của con em trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2030, mỗi quận, huyện, thị xã có 1 trường học được xây dựng theo hướng chuẩn, hiện đại, đạt diện tích 4ha đến 5ha. Sở cũng kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ, rà soát các danh mục đặc thù mua sắm tập trung; phân cấp, giao quyền cho Sở được thực hiện sửa chữa nhỏ và căn cứ kết quả mua sắm tập trung thành phố để thực hiện mua sắm nhỏ lẻ ở đơn vị trường học; phân cấp cho Giám đốc Sở được bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các đơn vị trực thuộc; bổ sung cơ chế về nhân viên y tế trường học...

Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường tự chủ

Sau khi lãnh đạo các cơ quan thành phố thảo luận, giải đáp các kiến nghị, đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đạt được trong những năm qua, đặc biệt là năm 2018, tiếp tục phát huy được vai trò, vị thế dẫn đầu, có nhiều đổi mới, tiến bộ, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố. 

Bí thư Thành ủy cũng đánh giá cao kết quả công tác xây dựng Đảng của ngành, nổi bật là giữ gìn đoàn kết, phát huy dân chủ, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Thành ủy...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc.

Nhấn mạnh bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế thời gian tới, nhất là khi Thủ đô, đất nước ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, tập trung thực hiện chiến lược lấy con người làm trung tâm phát triển, Bí thư Thành ủy yêu cầu, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển giáo dục của Trung ương, thành phố; tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với giáo dục; tích cực, chủ động phối hợp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Đáng chú ý, Bí thư Thành ủy yêu cầu, Sở tích cực lắng nghe ý kiến đóng góp của dư luận xã hội, từ đó gạn lọc, tiếp thu điều chỉnh công tác giáo dục và đào tạo cho phù hợp. Đồng thời, Sở tăng cường đổi mới công tác thông tin truyền thông để tạo ra sự đồng thuận trong giáo dục và đào tạo người Hà Nội phục vụ nhu cầu phát triển; chủ động tham gia giáo dục, đào tạo con người góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng thành phố thông minh.

Theo Bí thư Thành ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh; nhưng trước hết phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người trong ngành, từ đó có giải pháp đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Sở tăng cường kiểm tra, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh sai phạm; rút kinh nghiệm, khắc phục kẽ hở dẫn đến sai phạm. Đặc biệt, dân chủ trong nhà trường cần được phát huy, vì những việc nảy sinh trong các trường vừa qua chủ yếu liên quan đến hạn chế về năng lực quản lý và thực hành dân chủ. 

Đề cập vấn đề cụ thể như quản lý an toàn thực phẩm trong các trường học, Bí thư Thành ủy gợi ý, Sở nên có danh mục các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn, bảo đảm uy tín, mới được cung cấp thực phẩm cho các trường học.

Đồng chí Hoàng Trung Hải chỉ đạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường tự chủ trong các cơ sở giáo dục. Đây là vấn đề khó, nhưng có khó khăn mới cần Hà Nội phải đi đầu, cần có sáng kiến, sáng tạo để tháo gỡ. Do đó, Sở chủ động nghiên cứu, đề xuất các mô hình quản lý, tham mưu để thành phố báo cáo, đề xuất với các bộ, ngành trung ương. 

Về các kiến nghị của Sở, Bí thư Thành ủy chỉ đạo, Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, giải quyết cụ thể từng vấn đề theo hướng khắc phục ngay những bất cập hiện nay; tăng cường phân cấp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản, không để tình trạng có kinh phí nhưng các trường xuống cấp vẫn chậm được sửa chữa... Đồng chí Hoàng Trung Hải cho rằng, ở trường học phải có người quản lý về y tế, phải lập hồ sơ quản lý sức khỏe giáo viên, học sinh; nhưng có cần thêm nhân viên y tế hay không phải tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Thành ủy sẽ có ý kiến chỉ đạo để Công an thành phố tăng cường phối hợp với các trường nhằm bảo đảm an ninh trật tự trong và xung quanh trường học, phòng ngừa tệ nạn đối với học sinh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội tin tưởng, thời gian tới, lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, lao động ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ khắc phục hạn chế, tồn tại, tiếp tục đạt được những kết quả to lớn hơn nữa, đáp ứng nguyện vọng, yêu cầu của người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.