Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”

Phong Thu - Ảnh: Bá Hoạt| 01/06/2019 09:45

(HNMO) - Sáng 1-6, tại nhà Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”.


Các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội thảo.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội dự và tham luận tại hội thảo.

Quang cảnh hội thảo


Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, hội thảo là hoạt động thiết thực nhằm tưởng nhớ, tri ân những cống hiến to lớn của nhà chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa Nguyễn Văn Tố đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; bổ sung thêm tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cụ Nguyễn Văn Tố; đồng thời, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư, lần thứ bảy, lần thứ tám (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII).

Hội thảo đã nhận được 41 tham luận và nhiều ý kiến phát biểu, tập trung làm sáng tỏ bốn vấn đề chủ yếu. Đó là: Phân tích, luận giải những nhân tố ảnh h­ưởng của quê hương Hà Nội - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, một vùng đất nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ khí thiêng sông núi đối với sự hình thành nhân cách của nhà chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa Nguyễn Văn Tố; phân tích, luận giải về những mốc son trong cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố...

Tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã có bài tham luận với nội dung “Đảng bộ và nhân dân Thủ đô với chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố”. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử của Thăng Long - Hà Nội, đã có rất nhiều nhân tài, nhà lãnh đạo kiệt xuất, chí sĩ yêu nước, anh hùng cách mạng, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì non sông, đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Một trong những hiền tài đó là cụ Nguyễn Văn Tố, vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhân cách lớn, một nhà chí sĩ yêu nước tài năng, nhà lãnh đạo tài ba, học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tham luận tại hội thảo.


Cuộc đời, sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam, trong đó có nhân dân Thủ đô học tập, noi theo.

Nhắc đến thân thế và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nêu rõ, cụ Nguyễn Văn Tố (bút hiệu Ứng Hòe), sinh ngày 5-6-1889, trong một gia đình nhà Nho, thuộc làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Cụ là nhà chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa, một học giả uyên bác, nổi tiếng về chữ Hán và chữ Nôm, có kiến thức sâu rộng về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Cả cuộc đời nghiên cứu và hoạt động cách mạng, cụ đã có những đóng góp quan trọng về lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng; góp phần khơi dậy, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Là một trí thức có uy tín nên cụ được giao nhiều trọng trách như: Hội trưởng Hội Trí Tri; Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ Việt Nam. Cụ đã cùng với những trí thức yêu nước lớn như: Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp tổ chức xóa mù chữ, nâng cao dân trí.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra giúp nước, với cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời. Trong tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, cụ đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội ngày 2-3-1946, cụ được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (cương vị Chủ tịch Quốc hội ngày nay) và tham gia lãnh đạo cách mạng.

Nhắc lại những đóng góp to lớn của chí sĩ Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam, nhất là đối với phong trào cách mạng tại Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, tháng 9-1945, Hà Nội đã tổ chức thực hiện 3 cuộc vận động lớn: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Trong đó, phong trào chống nạn mù chữ đã lôi cuốn toàn dân tham gia, với vai trò rất lớn của cụ Nguyễn Văn Tố... Cụ đã đề ra và lãnh đạo thực hiện các biện pháp tích cực nhằm đẩy lùi nạn đói; đời sống nhân dân, nhất là nông dân được cải thiện, sản xuất được phục hồi, nền tảng của chế độ mới thêm vững chắc. Đó chính là những công lao to lớn cụ Nguyễn Văn Tố đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Thủ đô Hà Nội.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Hà Nội tự hào là quê hương của chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa, liệt sĩ Anh hùng Nguyễn Văn Tố. Thành phố đã lấy tên Nguyễn Văn Tố đặt tên cho một con đường thuộc phường Cửa Đông và một trường học là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố, thuộc quận Hoàn Kiếm. 

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, tấm gương sáng về trí tuệ, lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm không lùi bước trước thách thức và hy sinh của cụ Nguyễn Văn Tố là di sản văn hóa tinh thần quý báu. Đảng bộ, nhân dân Thủ đô luôn tự hào, khắc ghi, biết ơn, nguyện học tập và làm theo tấm gương trong sáng, cao đẹp trong công cuộc mở mang văn hóa và kiến thiết nước nhà của cụ.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, các bài tham luận, các nhân chứng đã cung cấp nhiều tư liệu quý, giúp cho hội thảo có cơ sở để hình thành kho tư liệu quý, chuẩn xác về cuộc đời, sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố.

Cho rằng việc giới thiệu cụ Nguyễn Văn Tố với nhân dân chưa được nhiều, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định đây là thời điểm chúng ta phải có trách nhiệm tuyên truyền, bởi những đóng góp, tài năng trí tuệ và con người của cụ vô cùng có ý nghĩa đối với các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Đặc biệt, việc tìm mộ của cụ cần tiếp tục được thực hiện để lập các khu tưởng niệm. Và việc đặt tượng cụ Nguyễn Văn Tố tại Nhà Quốc hội cũng là cần thiết, bởi cụ là vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, xứng đáng có vị trí trang trọng trong phòng truyền thống của Quốc hội. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng đề nghị, sau hội thảo này, Ban tổ chức sưu tập thêm những bài trên ý kiến tham luận của các đại biểu tại hội thảo để bổ sung, làm phong phú và sâu sắc hơn giá trị của cuốn kỷ yếu. Cuốn kỷ yếu sẽ được biên tập kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng để giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền rộng rãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.