Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xác định rõ lĩnh vực, đối tượng dễ xảy ra tham nhũng để phòng ngừa

Hà Phong - Ảnh: Hữu Tiệp| 24/07/2019 15:11

(HNMO) - Chiều 24-7, Đoàn kiểm tra số 3 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020” tại Sở Tư pháp.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn phát biểu tại buổi kiểm tra tại Sở Tư pháp thành phố 

Báo cáo tại buổi kiểm tra, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Anh Tuấn cho biết, Sở hiện có 10 phòng, 13 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với tổng số 312/377 biên chế được giao. Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU, Sở đã ban hành 15 kế hoạch triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU; đưa phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những nội dung kiểm điểm, tiêu chí chấm điểm, đánh giá công tác thi đua, khen thưởng hằng năm.

Đảng ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cơ quan Sở Tư pháp đã ban hành 9 kế hoạch và tiến hành kiểm tra giám sát đối với 23 chi bộ trực thuộc, 3 đồng chí bí thư chi bộ. Qua kiểm tra đã chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế cần khắc phục; chưa phát hiện hành vi tham nhũng phải xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, Sở Tư pháp luôn xác định công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.

Hằng năm, Sở Tư pháp tham mưu với UBND thành phố ban hành các kế hoạch về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố và tổ chức triển khai thực hiện.

Thành phố đã tổ chức 24 hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng cho 5.250 lượt người; 297 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật mới được ban hành về phòng, chống tham nhũng, lãng phí cho 73.165 lượt người, giúp cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân Thủ đô nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật...

Tiếp đó, các thành viên đoàn kiểm tra đã trao đổi, làm rõ một số nội dung, đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại Sở Tư pháp.

Kết luận buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn ghi nhận, Đảng ủy, người đứng đầu Sở Tư pháp đã luôn quan tâm và có ý thức trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở đối với lĩnh vực này ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, đồng chí Đào Đức Toàn đánh giá, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Một số nội dung thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU có tính hiệu quả lâu dài chưa được thể hiện rõ; vẫn còn một số đơn vị triển khai kế hoạch phòng, chống tham nhũng mang tính hình thức. Các cuộc thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng chưa nhiều. Đặc biệt, Sở còn thiếu quy định nội bộ về phòng, chống tham nhũng. Với vai trò là cơ quan gác cổng pháp luật, Sở Tư pháp cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục những tồn tại này.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn chỉ rõ, cùng với sự phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, lĩnh vực công chứng, chứng thực, thừa phát lại, đấu giá do Sở Tư pháp phụ trách sẽ tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Đồng chí yêu cầu Sở nhận diện tình hình, tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất. Bên cạnh đó, Sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính và tăng cường hiệu quả công tác quản lý trên các lĩnh vực; rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, vị trí việc làm của từng phòng, xác định rõ lĩnh vực, đối tượng dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí để đề ra các giải pháp phòng ngừa cụ thể.

Sở Tư pháp cũng cần tăng cường tham mưu cho lãnh đạo thành phố, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội về công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều cơ quan phối hợp giải quyết, đang phát sinh bất cập như về lý lịch tư pháp; đổi mới công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên các sở, ngành và các tầng lớp nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác định rõ lĩnh vực, đối tượng dễ xảy ra tham nhũng để phòng ngừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.