Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bế mạc phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Hà Phong| 20/09/2019 18:47

(HNMO) - Sau 11 ngày làm việc, chiều 20-9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 37.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là phiên họp dài nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 13 dự án luật cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự chuẩn bị nội dung, tài liệu cho phiên họp có tiến bộ so với các phiên họp trước. Chính phủ đã có sự chuẩn bị, phối hợp và tham dự đầy đủ các nội dung phiên họp để tiếp thu, hoàn chỉnh một bước các nội dung trước khi trình Quốc hội.

Cho biết phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kéo dài 3 ngày làm việc, sát với thời điểm khai mạc kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV, khối lượng công việc cần xem xét khá nhiều, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan hữu quan chuẩn bị các nội dung bảo đảm tiến độ.

Tán thành việc miễn thị thực cho nhiều đối tượng

Trước đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe trình bày tờ trình và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an thông tin, xuất phát từ yêu cầu luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cũng như tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, dự luật đã luật hóa việc áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; bổ sung quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển.

Ban soạn thảo đề xuất giao Chính phủ quyết định khu kinh tế ven biển được miễn thị thực nếu đáp ứng đủ các điều kiện: Có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài; có sân bay quốc tế; phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Đáng lưu ý, dự luật cũng sửa đổi quy định về thời hạn của thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư nước ngoài theo hướng nâng thời hạn tối đa của thẻ tạm trú lên đến 10 năm để khuyến khích nhà đầu tư chiến lược hoặc đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn được ưu tiên (theo quyết định của Chính phủ); phân loại các nhà đầu tư theo 4 mức khác nhau để cấp thị thực, thẻ tạm trú có thời hạn và ký hiệu phù hợp.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều đề xuất, nhất là bổ sung trường hợp được miễn thị thực; cấp thị thực điện tử. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhấn mạnh, việc ban hành luật này sẽ góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh thời gian qua.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, qua thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung dự luật. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ tám (tháng 10-2019) theo quy trình một kỳ họp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.