Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội: Đổi mới là cấp thiết!

Bảo Hân| 28/10/2019 15:32

(HNMO) - Theo chương trình làm việc dự kiến tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, ngày mai (29-10), Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội. Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sẽ do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày. Các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận nội dung này ở tổ ngay sau đó.

Trao đổi với HNMO bên hành lang Quốc hội ngày 28-10, hai Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đều bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội, khẳng định sự đổi mới là cấp thiết.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình).

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình): Đích đến là phục vụ người dân tốt hơn!

Qua thẩm tra sơ bộ và chính thức Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, đa số ý kiến tán thành với việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội. Hồ sơ, tài liệu về dự thảo Nghị quyết được chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định. 

Đề án thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại các quận và thị xã Sơn Tây (Hà Nội) được xây dựng xuất phát từ thực tiễn mỗi phường trên địa bàn thành phố đang có mức độ đô thị hóa rất cao. Những thách thức về đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, giao thông, môi trường, an ninh trật tự... đòi hỏi một cơ chế, chính sách hợp lý. Do đó, việc đổi mới mô hình quản lý phù hợp với đặc thù Thủ đô là cấp thiết. 

Cũng qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện một số nội dung trong Tờ trình cũng như dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Có ý kiến cho rằng, tại những phường thực hiện thí điểm, tên gọi ủy ban nhân dân (UBND) phường sẽ không còn phù hợp khi mô hình chính quyền địa phương đã thay đổi. 

Theo tôi, khi bỏ không tổ chức HĐND cấp phường, nên mạnh dạn gọi bộ máy UBND là ủy ban hành chính hay một tên gọi phù hợp khác để thể hiện đúng tính chất, đặc điểm của cơ quan này. Ngoài ra, cần xác định rõ chức danh, địa vị, chức năng của những lãnh đạo quản lý ở ủy ban hành chính cấp phường, nếu không trong quá trình thí điểm sẽ gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc. 

Tôi ủng hộ việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Cách làm nên thực hiện hoàn chỉnh, bài bản. Đích đến của mô hình này là giúp người dân thấy cơ quan hành chính ở phường phục vụ họ tốt hơn; thực hiện các thủ tục hành chính nhanh, đặc biệt là quản lý chặt chẽ việc chấp hành pháp luật từ cán bộ đến người dân trên địa bàn. Sự liên thông giữa tổ dân phố, phường và quận phải tốt. 

Trong quá trình thực hiện thí điểm, thành phố nên tổ chức lấy ý kiến người dân, thường xuyên có đánh giá để điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng): Đổi tên UBND cấp phường là không cần thiết

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng).

Trước khi Hà Nội đề xuất thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15-11-2008 thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian từ tháng 4-2009 đến tháng 6-2015). Tuy nhiên, sau khi tổng kết đã quay lại mô hình có tổ chức HĐND tại tất cả các đơn vị hành chính (bao gồm cả các huyện, quận, phường trước đây thực hiện thí điểm).

So sánh với đề án tại Hà Nội thì thành phố sẽ thực hiện tập trung ở chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây. Nội dung trong đề án được Hà Nội thực hiện kỹ, cùng với sự kế thừa những kinh nghiệm từ thí điểm 10 năm trước nên khả năng thành công sẽ rất cao, mang lại lợi ích lớn cho công tác quản lý của mô hình mới chính quyền đô thị và giúp việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hợp lý.  

Tôi mong muốn, đề án xác định rõ tính chất UBND phường là một cấp hành chính bên dưới cấp quận, hay là “cánh tay nối dài” của UBND cấp quận...

Ngoài ra, việc thí điểm không chỉ thay đổi đơn thuần giữa các cấp, còn liên quan đến nhiều luật nên cần rà soát kỹ để tránh có sự “vênh” trong áp dụng, thực thi nhiệm vụ pháp luật. Ví dụ, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các phường sau thí điểm không tổ chức HĐND sẽ khác những phường hiện nay…

Về tên gọi của UBND cấp phường, khi không còn tổ chức HĐND, đúng với tính chất thì nên gọi là ủy ban hành chính, nhưng nếu thay đổi tên gọi sẽ kéo theo nhiều vấn đề, đặc biệt cần xem xét đến hiệu quả kinh tế - xã hội. Việc thay đổi tên một cơ quan hành chính liên quan nhiều đến giấy tờ của công dân, doanh nghiệp, phát sinh nhiều chi phí không cần thiết. Do đó, tôi đồng tình giữ nguyên tên gọi như hiện tại sẽ hợp lý.

Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026, 177 phường thuộc các quận và thị xã Sơn Tây của Hà Nội sẽ thí điểm không tổ chức HĐND phường bắt đầu từ ngày 1-6-2021.

Tại những nơi thí điểm, UBND quận, thị xã sẽ được bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn để quản lý, điều hành công việc trên địa bàn. Cũng theo dự thảo Nghị quyết, việc tiếp tục duy trì HĐND ở phường là không còn phù hợp, mà chỉ nên còn UBND phường để quản lý hành chính, cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền.

Hiện, số lượng đại biểu HĐND mỗi phường, xã, thị trấn tại Hà Nội là gần 30 người, trong đó cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu chiếm tương đối. Nếu không còn HĐND cấp phường, Hà Nội sẽ giảm được từ 2.900 đến 3.500 cán bộ HĐND phường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường tại Hà Nội: Đổi mới là cấp thiết!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.