Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bác Hồ - Người lãnh tụ “Cả một đời vì nước, vì dân”

Ðoan Trang| 17/05/2020 17:30

(HNNN) - “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”... “Ham muốn tột bậc” ấy của Bác Hồ đã được lịch sử chứng minh không chỉ là câu nói xuất phát từ đáy lòng mà còn là mục tiêu, hành động nhất quán của Người.

Hà Nội Ngày nay đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), để hiểu rõ hơn về điều đó.

Bác Hồ trò chuyện với xã viên Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên (năm 1954). Ảnh: Tư liệu

- Thưa ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời mình vì nước, vì dân. Lòng yêu nước, thương dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh được hun đúc từ mạch nguồn nào?

- Trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nội dung quan trọng về giải phóng đất nước, chăm lo đời sống nhân dân, gọi chung là tư tưởng yêu nước, thương dân. Sự hình thành và phát triển tư tưởng đó bắt nguồn đầu tiên từ truyền thống “yêu nước, thương nòi” của dân tộc - thể hiện rõ qua lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Bà Triệu chống quân Ngô với tuyên bố: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Danh tướng Trần Bình Trọng khi bị rơi vào tay quân Nguyên - Mông đã khảng khái nói: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Còn trong tác phẩm bất hủ Bình ngô đại cáo, Nguyễn Trãi thể hiện sâu sắc tư tưởng yêu nước, thương dân khi dành trọn phần mở đầu để nói về “nhân nghĩa”, “yên dân”: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”...

Tư tưởng yêu nước, thương dân của Bác còn được phát triển từ truyền thống gia đình. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, gần gũi với nhân dân. Cha của Người, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người thầy đầu tiên dạy Chủ tịch Hồ Chí Minh bài học làm người và lòng yêu nước. Trong 5 năm từ chối ra làm quan, cụ Nguyễn Sinh Sắc thường đến những nơi có phong trào đấu tranh chống Pháp sôi nổi kết giao với những người có lòng yêu nước, có chí cứu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân..., và thường cho Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đi cùng. Tư tưởng yêu nước, thương dân của Bác còn được phát triển từ tư tưởng nhân văn cao cả của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin... Chủ nghĩa yêu nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh là sự gặp gỡ, tổng hòa của tư tưởng yêu nước Việt Nam chân chính với hệ tư tưởng tiên tiến của giai cấp công nhân mà chủ nghĩa Mác - Lênin là đại diện.

- “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”, câu nói ấy đã làm xúc động hàng triệu con tim Việt Nam. Tư tưởng đó đã được Bác thể hiện như thế nào, thưa ông?

- Lòng yêu nước là động lực thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước khi chứng kiến cuộc sống cơ cực của người dân bị thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột đến tận cùng xương tủy, khi nghĩ đến thân phận nô lệ của đồng bào mình. Tháng 12-1920, khi Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours (Pháp), trả lời câu hỏi của một nhà báo quốc tế, Người khẳng định: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (năm 1927), Bác nêu rõ mục tiêu tiến tới thành lập Đảng Cộng sản, mang lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào mình, “kách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều”...

Khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, trong Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng đăng trên Báo Cứu Quốc số ra ngày 17-10-1945, Bác khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”... Chính vì thế, sau Cách mạng Tháng Tám, Bác phát động ngay việc diệt “giặc đói”, cứu đói dân nghèo. Người mẫu mực thực hiện trước: “Lúc chúng ta mang bát cơm lên mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước. Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Sau này, Bác luôn nêu cao khẩu hiệu “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”. Đi đến đâu Bác cũng hỏi đời sống của người dân, việc phát triển kinh tế thế nào, và động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống.

Đặc biệt, trong bản Di chúc, đến phút cuối đời Bác vẫn canh cánh “nỗi lo dân nước, nỗi năm châu”, căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Ngay cả việc hậu sự của mình, Người cũng chỉ nghĩ đến dân, đất nước: “Chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”... Trong trả lời phỏng vấn một nhà báo nước ngoài 3 tháng trước khi Bác đi vào cõi người hiền, câu nói của Bác: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”, đã khái quát tư tưởng yêu nước, thương dân của Người. Tư tưởng ấy như sợi chỉ đỏ xuyến suốt cuộc đời hoạt động của Bác, để lúc nào trong tâm trí Người cũng canh cánh: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”...

- Ông đánh giá thế nào về giá trị tư tưởng yêu nước, thương dân của Bác trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?

- Tư tưởng yêu nước, thương dân của Bác luôn có giá trị rất lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhất quán với tư tưởng yêu nước, thương dân của Bác, Đảng và Chính phủ đã nêu rõ quan điểm “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”. Để đẩy lùi nạn đói, khắc phục tình trạng kiệt quệ sau chiến tranh, một mặt Chính phủ ra lời kêu gọi cả nước “nhường cơm sẻ áo” cứu giúp những người đang trong lúc khốn quẫn, mặt khác phát động phong trào tăng gia sản xuất với khẩu hiệu “tấc đất, tấc vàng”. Xác định “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” như lời Bác Hồ khẳng định, Chính phủ phát động phong trào “diệt giặc dốt”, coi đây là công việc cấp bách như “diệt giặc đói” và “diệt giặc ngoại xâm”.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thấm nhuần tư tưởng yêu nước, thương dân của Bác, Đảng và Nhà nước đã nỗ lực nâng cao vị thế đất nước, đời sống của nhân dân, đạt được những thành tựu rất to lớn. Từ một đất nước trước năm 1986 còn nghèo nàn, thu nhập bình quân đầu người chưa đến 100 USD/năm, nay đã trở thành một nước có thu nhập trung bình với 2.600 USD/người/năm. Việt Nam được thế giới công nhận là một nước năng động về phát triển kinh tế, có chế độ chính trị ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm... Đặc biệt, trong 8 mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc nêu ra vào năm 2000 như: Triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác... thì đến năm 2015, Việt Nam là một trong những nước thực hiện thành công nhất.

Đó là bởi Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giảm nghèo bền vững, về xây dựng nông thôn mới, về việc làm và dạy nghề... để phát triển đất nước, cải thiện đời sống nhân dân được đánh giá cao. Đó là chưa kể Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) năm 1998; Quyết định 134/2004/QĐ-TTg năm 2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Chương trình 167 thực thi theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở... Trong Cương lĩnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng nêu 8 đặc trưng của xã hội Xã hội chủ nghĩa, trong đó hai đặc trưng đầu là: Xã hội chủ nghĩa hướng tới dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; là xã hội do nhân dân làm chủ... Bằng những hành động, chương trình cụ thể, Đảng và Chính phủ Việt Nam đang chứng tỏ là của dân, vì nhân dân phục vụ.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nhiều bộ phận dân cư còn khó khăn, vẫn còn sự phân hóa giàu nghèo, lãnh đạo một số nơi quan liêu, tham nhũng, gây mất niềm tin của nhân dân. Chính vì thế, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khi tất cả đều quán triệt sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi khó khăn, hạn chế, tiêu cực..., xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bác Hồ - Người lãnh tụ “Cả một đời vì nước, vì dân”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.