Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao vị thế hàng Việt

Thanh Hiền| 01/05/2019 07:38

(HNM) - Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế nên việc chịu sức ép cạnh tranh với hàng ngoại nhập và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là điều khó tránh khỏi.

Để hỗ trợ doanh nghiệp giữ vững thị trường trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ đó, ngành Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu phát triển thị trường nội địa, phát triển sản xuất gắn với việc tăng cường tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước.

Người dân huyện Phúc Thọ mua hàng tại phiên chợ hàng Việt do Hapro tổ chức trên địa bàn.


Đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng


Thời gian qua, công tác tuyên truyền và các chương trình kết nối của ngành Công Thương Hà Nội như “Hội chợ đặc sản vùng, miền”, “Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Việt tại Hà Nội”, “Hội chợ hàng Việt”… đã giúp người tiêu dùng biết và tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng Việt Nam chất lượng cao. Chị Nguyễn Kiều Oanh (trú tại nhà số 213 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) cho biết, qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các chương trình bình chọn..., người tiêu dùng biết đến nhiều sản phẩm hàng hóa Việt có chất lượng tốt, được đánh giá cao. Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân khu vực ngoại thành, nhất là trong các dịp lễ, Tết, hằng năm Sở Công Thương Hà Nội đã chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành khảo sát, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân tại các huyện, thị xã, các khu công nghiệp… Các mặt hàng được bày bán đều là hàng sản xuất trong nước, có nguồn gốc rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá kèm theo.

Chị Nguyễn Thị Huệ (ở xã Ðồng Tân, huyện Ứng Hòa) chia sẻ: “Từ khi có mô hình chợ Tết tổ chức trên địa bàn, việc mua sắm thuận tiện hơn rất nhiều vì trước đây chúng tôi phải đi mấy chục cây số, ra tận siêu thị Big C mua sắm hàng Tết. Tại các phiên chợ, hội chợ, người dân còn được doanh nghiệp tư vấn những thông tin cần thiết về sử dụng, bảo quản hàng hóa, cách phân biệt hàng giả...”.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua thành phố Hà Nội đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, thiết kế bao bì sản phẩm, tổ chức triển lãm, giới thiệu sản phẩm; tăng cường liên kết, khai thác tiềm năng các đặc sản vùng, miền. Bên cạnh đó, thành phố còn triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố cả nước… tạo ra các chuỗi sản xuất - tiêu thụ, đưa hàng hóa bảo đảm chất lượng, rõ nguồn gốc đến với người tiêu dùng Thủ đô.

Liên kết tạo sức mạnh cho hàng Việt

Theo Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thuế nhập khẩu về 0% sẽ tác động đến giá hàng hóa nhập khẩu. Từng mặt hàng có thuế suất khác nhau, nhưng sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn vì hàng nhập khẩu vốn giá thành rẻ, lại được miễn thuế, từ đó buộc các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh quyết liệt với hàng "ngoại" ngay trên "sân nhà". Để không bị hàng “ngoại” cùng chủng loại lấn lướt, doanh nghiệp Việt cần từng bước tổ chức lại sản xuất, đầu tư khoa học - công nghệ, tổ chức tốt hệ thống phân phối và cùng nhau liên kết tạo sức mạnh trong hội nhập.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, thành phố Hà Nội sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế. Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế; thường xuyên được cung cấp thông tin về các thị trường xuất khẩu, ngành hàng xuất khẩu, những quy tắc của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao, hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn.

Thành phố cũng sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ phát triển hệ thống phân phối hiện đại trong năm 2019. Cụ thể, thành phố dự kiến phát triển 5 siêu thị và 200 cửa hàng tiện lợi của Vincomerce; 100 cửa hàng Co.opfood; 5 siêu thị của Hapro; trung tâm siêu thị AEON Hà Đông (dự kiến cuối năm 2019 sẽ đưa vào hoạt động); 3 siêu thị của Lan Chi; 2 siêu thị Big C; 6 siêu thị Intimex; 1 siêu thị V+; 10 cửa hàng tiện lợi của An Việt; phát triển thêm từ 5 đến 10 siêu thị của các hệ thống siêu thị điện máy (Điện máy xanh; Pico; Mediamart, Nguyễn Kim, HC…). Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình kinh doanh thương mại, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, quản lý các chợ trên địa bàn, giải tỏa và sắp xếp chợ cóc, chợ tạm…, nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao vị thế hàng Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.