Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Viettel phải vươn lên sánh vai với các tập đoàn toàn cầu

Châu Anh| 01/06/2019 14:35

(HNMO) - Sáng 1-6, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập (1/6/1989-1/6/2019) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Tới dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và lãnh đạo các bộ, ban, ngành.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Ban lãnh đạo Tập đoàn Viettel.


Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tập đoàn Viettel.

Trước đó, Viettel đã 2 lần được đón nhận các danh hiệu: Anh hùng Lao động năm 2007, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2013.

Viettel cần vươn lên sánh vai với các tập đoàn toàn cầu

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Viettel phải đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, Viettel cần làm tốt 6 nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, Viettel trở thành tập đoàn công nghiệp và công nghệ hùng mạnh, mang tầm khu vực và thế giới. Đến năm 2025, Viettel cần đạt mục tiêu đứng trong nhóm 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới, duy trì tốc độ tăng trưởng từ 10% trở lên, trong đó, công nghiệp công nghệ cao đóng góp 5% tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận. Đến năm 2045 - thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Viettel đứng trong nhóm nhà sản xuất công nghệ cao có quy mô công nghiệp hàng đầu thế giới, có số sản phẩm cốt lõi đi trước và vượt trội, tạo ra tiêu chuẩn quốc tế.

“Viettel cần vươn lên sánh vai với các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Huawei, ZTE, Ericsson, Google, Facebook, thậm chí cả Samsung”, Thủ tướng mong muốn.

Thủ tướng phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn Viettel.

Thứ hai, Viettel cần thực hiện tốt trách nhiệm là doanh nghiệp quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia, tập trung vào chuyển đổi số Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội. Nhanh chóng triển khai 5G và các hạ tầng đáp ứng cơ hội phát triển cách mạng công nghiệp 4.0; tích cực tham gia “Make in Việt Nam” - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất.

Thứ ba, phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp quốc phòng công nghệ cao và sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, nhất là thiết bị hạ tầng mạng. Chú trọng phát triển các công cụ và giải pháp đảm bảo an ninh mạng hiệu quả cao, luôn sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ đất nước "từ sớm, từ xa". Viettel phải xác định luôn đi đầu, là đội ngũ nòng cốt trong lĩnh vực này.

Thứ tư, Viettel cần giữ mô hình kiểu mẫu về doanh nghiệp nhà nước: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện; nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất mà Đảng, Nhà nước giao; liên tục tạo ra thách thức mới; lấy khó khăn làm môi trường để rèn luyện, trưởng thành và thành công; cạnh tranh toàn cầu; thu nhập dựa trên hiệu quả.

Thứ năm, Viettel phải bảo vệ thương hiệu của mình như bảo vệ tài sản của quốc gia; đồng thời, tiếp tục đổi mới công nghệ quản trị, đặc biệt là áp dụng mô hình và công nghệ quản trị số, kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ, chuẩn mực quốc tế với sáng tạo giải pháp quản trị của riêng mình. Viettel không ngừng bồi đắp và làm sâu sắc hơn các giá trị cốt lõi của văn hóa Viettel, tinh thần Viettel trong bối cảnh nhiệm vụ mới, môi trường cạnh tranh và phát triển mới; phải là một tổ chức kiểu mẫu, là nguồn cảm hứng cho cuộc cách mạng về quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước.

Thứ sáu, Viettel cần tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, tổ chức bộ máy lãnh đạo, chỉ huy các cấp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương - kỷ luật là sức mạnh của Quân đội.

Viettel - một trong 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới

Thành lập năm 1989 với tên gọi tiền thân Sigelco, sau 30 năm, Viettel đã trở thành một trong 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, nằm trong Top 500 thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu. Viettel đã hiện diện tại 17 quốc gia, trong đó đầu tư kinh doanh tại 10 thị trường nước ngoài, doanh thu đạt trên 10 tỷ USD, tương đương 3% GDP của Việt Nam.

Tính từ năm 2000 tới nay, Viettel đã tạo ra hơn 1,78 triệu tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận đạt 334 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 134 nghìn tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thường xuyên đạt từ 30-40%. Viettel cũng đã chi 3,5 nghìn tỷ đồng thực hiện các chương trình xã hội. Trong giai đoạn phát triển tới, Viettel tiếp tục xây dựng hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin hiện đại; phát triển và cung cấp các ứng dụng, dịch vụ số; chủ động tham gia xây dựng Chính phủ điện tử.

Thủ tướng tham quan trưng bày các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ tại Tập đoàn Viettel.


Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel tiếp tục sứ mệnh "Sáng tạo vì con người”, đóng vai trò dẫn dắt trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp, thực hiện chuyển đổi số và kiến tạo xã hội số ở Việt Nam.

Viettel sẽ đẩy mạnh 3 ngành công nghiệp công nghệ cao là công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh mạng, nhằm bắt nhịp cùng thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền của đất nước trên cả không gian thực và không gian ảo.

“Chỉ có một cách duy nhất để bảo tồn lịch sử là xây dựng tương lai. Những kỳ tích lớn lao nhất của Viettel vẫn đang chờ được tạo nên ở phía trước. Đó là trách nhiệm của Viettel, cũng chính là lời hứa của Viettel. Viettel sẽ tiếp tục duy trì sứ mệnh “Sáng tạo vì con người” để luôn bảo vệ và phụng sự cho Tổ quốc, góp phần hưng thịnh đất nước”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Viettel phải vươn lên sánh vai với các tập đoàn toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.