Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa đi sự khác biệt về tư tưởng và nhận thức

Đoan Trang| 23/10/2021 20:10

(HNMCT) - Giữa hai thế hệ trẻ và già luôn tồn tại sự khác biệt về tư tưởng và nhận thức. Cũng từ đây, xung đột thế hệ đã tạo ra một khoảng cách vô hình trong tình cảm gia đình, đôi khi còn gây ra những tổn thương không đáng có. Xóa dần khoảng cách chính là phương thức mấu chốt để tạo dựng không khí đầm ấm trong gia đình, xây dựng nếp sống văn minh trong thời đại mới. Hànộimới Cuối tuần ghi lại ý kiến của các chuyên gia tâm lý, giáo dục xung quanh vấn đề này.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam:
Kéo gần khoảng cách giữa hai thế hệ

Cuộc sống hiện đại đang đẩy xa khoảng cách giữa hai thế hệ già và trẻ trong gia đình. Thậm chí trong nhiều gia đình hình thành xung đột giữa hai thế hệ, người trẻ cho rằng người già lạc hậu, định kiến, không theo kịp với nhịp sống hiện đại, còn người già lại cho rằng con cháu chẳng chịu nghe lời khuyên bảo của người lớn tuổi, sống vội, sống gấp...

Sự khác biệt giữa hai thế hệ còn biểu lộ qua quan niệm về mục tiêu sống cũng như nội dung sống mà mỗi thế hệ quan tâm. Thế hệ lớn tuổi, với thói quen từ xưa để lại, vẫn thấm nhuần tinh thần gắn bó gia đình, và với quán tính thương yêu, luôn có xu hướng muốn tiếp tục kiểm soát, bao bọc như khi con cháu còn thơ ấu. Họ luôn nghĩ mình có nghĩa vụ giáo huấn, truyền đạt, hướng dẫn con cháu làm điều hay, tránh điều dở theo quan niệm của mình. Còn lớp trẻ lại cho rằng nhiều kinh nghiệm của lớp người đi trước không còn đúng trong xã hội hiện đại, từ đó nảy sinh mâu thuẫn...

Chính vì thế, để kéo gần khoảng cách giữa hai thế hệ, những người trẻ cần có ý thức hơn trong việc học hỏi lớp người đi trước từ đạo đức, cách nhìn nhận chín chắn với thời cuộc, hành động cẩn thận, luôn suy tính, cân nhắc... Đặc biệt, những trải nghiệm mà người lớn tuổi đã trải qua luôn mang những giá trị nhất định. Ngược lại, người cao tuổi cần luôn vận động, chủ động với cuộc sống của mình, gương mẫu trong hành vi, lời nói, nếp sống, cập nhật thông tin về cuộc sống đang diễn ra để tránh tụt hậu so với thời cuộc. Thêm vào đó, để phát huy vai trò của mình, các bậc cao niên phải biết giữ hình ảnh đẹp của mình trong con mắt của lớp trẻ, luôn học hỏi để tồn tại, không lệ thuộc vào con cháu. Trong gia đình, người cao tuổi phải trở thành tấm gương về đối nhân xử thế, nếp sống thanh lịch, văn minh, là người lưu truyền và tiếp nối những giá trị truyền thống cho thế hệ sau.

Nhà giáo Nhân dân - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Hãy đặt mình vào vị trí của nhau

Người cao tuổi trong bất kỳ xã hội nào đều giữ vai trò quan trọng, đặc biệt là trong việc xây dựng và hình thành nếp sống văn hóa trong gia đình. Hơn nữa, xã hội phương Đông rất tôn trọng người lớn tuổi; người cao tuổi tham gia vào mọi mặt của đời sống văn hóa gia đình, nhất là việc giáo dục con cháu. Các bậc cha mẹ, ông bà luôn dạy con: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, nhờ đó lớp trẻ biết cách ứng xử để hòa nhập với xã hội. Mỗi gia đình có những quy định, nét văn hóa riêng, chính những điều đó hình thành nên cách sống của gia đình, hình thành gia phong.

Cũng chính vì người cao tuổi tham gia vào hầu hết các hoạt động của đời sống nên sự xung khắc giữa các thế hệ xảy ra là điều tất yếu. Chúng ta cần nhìn nhận đó như một quy luật. Thế hệ 4x, 5x, 6x, 7x từng trải qua thời kỳ kinh tế bao cấp khó khăn trước đây sẽ có một cách sống khác so với những bạn trẻ lớn lên trong môi trường hiện đại, được hưởng nhiều lợi ích... Thấm thía về cuộc sống khó khăn trước đây, người cao tuổi mong muốn thiết lập và đưa con cháu vào vùng an toàn, nhưng con cháu lại muốn bay ra khỏi vùng an toàn đó để tự đi tìm trải nghiệm của riêng mình...

Để dung hòa mối quan hệ đó, chỉ có một cách là hãy đứng vào vị trí của nhau. Người trẻ hãy hình dung bố mẹ, ông bà mình lúc trẻ sống thế nào để hiểu họ đang mong muốn gì, có nhu cầu gì. Tương tự, người cao tuổi phải “đi vào đôi dép của người trẻ” để thử xem là nó gây khó chịu hay dễ chịu. Đặt mình vào vị trí của người khác để thấy được nhu cầu, sở thích của nhau, nhìn rõ được thế hệ kia mong muốn gì.

Đặc biệt, chúng ta cần nhận diện khoảng cách giữa hai thế hệ ấy là bao xa, để tìm phương cách ứng xử sao cho hài hòa, phù hợp. Để có cách ứng xử hài hòa, mỗi bên hãy bớt đi cái tôi của mình. Người già đừng cố chấp, đừng cậy mình trải đời, có nhiều kinh nghiệm hơn để áp đặt ý kiến chủ quan của mình cho con cháu, mà phải thấy được những biến động của hoàn cảnh, thấy mình bất cập ở chỗ nào để điều chỉnh cho phù hợp với người trẻ. Còn những người trẻ cũng phải xuất phát từ tình thương yêu để cảm thông, gần gũi hơn với người già... Tình thương yêu giúp các bên chấp nhận nhau, và khi nào con người biết chấp nhận sự khác biệt của nhau thì xung đột mới có thể chấm dứt được.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội):
Cảm thông để thấu hiểu nhau hơn

Để rút ngắn khoảng cách giữa hai thế hệ trẻ và già, yếu tố tâm lý rất quan trọng. Muốn dung hòa được mối quan hệ giữa người trẻ và người già, xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình thì phải hiểu tâm lý của người già. Tại Việt Nam, vai trò của người già thay đổi ít nhiều so với trước đây, mô hình gia đình tam tứ đại không còn nhiều. Rất nhiều gia đình trẻ đã sống riêng, không cần sự giúp đỡ của người cao tuổi nên những người cao tuổi hiện nay thường cô đơn và hay sống khép kín.

Người già về cơ bản từ 60 tuổi trở đi thường không thích thiết lập mối quan hệ mới. Người trẻ thường đánh giá người già là bảo thủ, khó tính, không hiểu rằng về bản chất, cuộc sống, thể chất, tinh thần của người già thường chậm chạp nên họ không thể đồng điệu được với cuộc sống khá ồn ào của con cháu. Người cao tuổi hay than phiền, nhưng đó là biểu hiện cho thấy chúng ta cần quan tâm tới thế hệ đi trước nhiều hơn...

Những thay đổi về tâm lý của người cao tuổi dẫn đến việc một bộ phận người cao tuổi thường thay đổi tính tình. Các thế hệ con cháu cần chuẩn bị sẵn tâm lý để đón nhận thực tế này nhằm có cách ứng xử phù hợp, và cần quan tâm, lo lắng cho các cụ nhiều hơn. Cần thường xuyên trò chuyện, khuyến khích các cụ tập thể dục để nâng cao sức khỏe thân thể lẫn tâm lý. Những người trẻ cần biết lắng nghe và hướng các cụ suy nghĩ đến những điều tích cực, hướng họ tìm niềm vui trong việc trồng cây, chăm sóc cháu, tham gia vào các tổ chức hội của phường, xã nơi mình cư trú... Đừng nhìn vào những khác biệt, sai trái, hãy mở lòng và nghĩ đến ông bà, cha mẹ nhiều hơn, chỉ như thế mới có thể hòa cùng suy nghĩ của thế hệ đi trước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa đi sự khác biệt về tư tưởng và nhận thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.