Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo tai nạn thương tích ở trẻ khi vào hè

Thu Trang| 23/05/2022 06:26

(HNM) - Ngoài đuối nước, trẻ còn thường gặp các tai nạn thương tích, như: Bỏng, điện giật, hóc dị vật, đứt tay chân do những vật sắc nhọn, té ngã, ngộ độc… Đặc biệt, khi mùa hè đến, số vụ tai nạn thương tích ở trẻ em có chiều hướng gia tăng. Do đó, người lớn cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc phòng, tránh các tai nạn thương tích cho trẻ.

Kiểm tra trang thiết bị, thuốc sơ cấp cứu, phòng, chống tai nạn thương tích trong một trường học ở quận Hai Bà Trưng.

Đủ kiểu tai nạn thương tích

Trong khoảng một tuần cuối tháng 4-2022, Khoa Điều trị bỏng trẻ em (Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác) đã tiếp nhận khoảng 20 trường hợp bị bỏng do các tác nhân: Nước sôi, cồn, bỏng điện… Theo bác sĩ Hồ Thị Vân Anh, Phó Chủ nhiệm Khoa Điều trị bỏng trẻ em, con số này sẽ tăng lên khi học sinh nghỉ hè, bởi thời gian này các em được tự do vui chơi nên đối mặt nhiều nguy cơ hơn.

“Khoảng 80% trường hợp nhập viện do bỏng nhiệt (lửa, nước sôi, cồn…), 10% các trường hợp bỏng điện và 10% còn lại là bỏng do hóa chất. Điều đáng nói, có những bệnh nhân do sơ cứu không đúng cách, đã khiến tổn thương bỏng sâu, nhiễm khuẩn vết thương…, gây khó khăn trong quá trình điều trị, thậm chí có thể phải cắt bỏ chi”, bác sĩ Hồ Thị Vân Anh cho biết.

Tương tự, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5-2022, Bệnh viện Nhi trung ương tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhi nhập viện do điện giật, uống nhầm dầu thắp đèn, đuối nước… Điển hình, bé V.A (20 tháng tuổi ở tỉnh Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng tím tái, suy hô hấp, phải thở ô xy, vì uống nhầm dầu thắp đèn. Tai nạn xảy ra khi V.A thấy chai nước ngọt để trên cửa sổ, sau khi uống bé hét lên, gia đình mới phát hiện đó là dầu thắp đèn để trong vỏ chai nước ngọt.

Hay như bé gái B.A (2 tuổi ở thành phố Hà Nội) trong lúc đang chơi cùng chị gái, thấy điện thoại đang sạc pin đã tự ý rút sạc điện thoại để chơi và bị điện giật. Sau tai nạn, bé B.A nằm bất tỉnh, tím tái, lòng bàn tay trái cháy đen. May mắn, bé B.A được hàng xóm sơ cứu kịp thời. Sau khi bé tỉnh lại, được gia đình lập tức đưa đến cơ sở y tế địa phương cấp cứu và tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương điều trị.

Theo các bác sĩ, mỗi năm vào dịp hè, các bệnh viện đều tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ em nhập viện do tai nạn sinh hoạt với các mức độ khác nhau. Với trẻ nhỏ từ 2 đến 5 tuổi thường gặp tai nạn thương tích tại nhà, như: Bỏng, hóc dị vật, uống nhầm hóa chất, ngã…; còn đối với trẻ từ 6 đến 14 tuổi thường gặp tai nạn đuối nước. Bởi, trẻ vốn dĩ rất thích nghịch nước, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng. Nếu không có sự giám sát chặt chẽ từ người lớn khi trẻ bơi lội, chơi đùa trong ao, hồ, bể bơi…, thì các em phải đối mặt nguy cơ cao bị đuối nước.

Chăm sóc trẻ bị tai nạn thương tích điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Xuân Tùng

Quan tâm đến con em ở mọi lứa tuổi

Khi bị tai nạn thương tích, nhiều trẻ gặp phải thương tổn nhẹ, sau điều trị có thể phục hồi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị thương tổn nặng, không thể phục hồi, như: Đứt lìa ngón, cánh tay, bàn tay, bàn chân, ngón chân…, thậm chí là tử vong.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cho rằng, tai nạn thương tích xảy ra ở trẻ em luôn là vấn đề đáng suy ngẫm, vì có thể trở thành nỗi ám ảnh theo suốt cuộc đời trẻ cũng như để lại nỗi xót xa, day dứt đeo đẳng với các bậc phụ huynh. Điều đáng nói, đa phần các trường hợp bị tai nạn thương tích đều xuất phát từ sự chủ quan, sơ suất của chính gia đình.

Để phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, các bậc cha, mẹ cần quan tâm đến con em mình ở mọi lứa tuổi. Khi trẻ nhỏ ăn, ngủ, chơi phải luôn có người chăm sóc bên cạnh. Trong gia đình, nên thiết kế hàng rào hoặc thanh bảo vệ ở những nơi, như: Cầu thang, cửa sổ, ban công với độ cao tối thiểu 75cm… Không cho trẻ leo trèo, đứng trên ghế, vật dụng không vững; không để sàn nhà ẩm ướt, trơn trượt; không để trẻ dưới 10 tuổi trông trẻ dưới 3 tuổi. Ngoài ra, phải để đồ điện, phích nước nóng, vật dụng dễ gây thương tích, các chai lọ đựng hóa chất… xa tầm với của trẻ. Cùng với đó, chú trọng đến các chương trình an toàn cho trẻ tại gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, đối với trẻ lớn, cha mẹ phải kiểm soát chặt chẽ thời gian sinh hoạt của các em. Cha mẹ phải thường xuyên giáo dục, nhắc nhở trẻ không được leo trèo, bơi lội ở ao, hồ, sông, biển khi không có người lớn.

Còn theo bác sĩ Hồ Thị Vân Anh, Phó Chủ nhiệm Khoa Điều trị bỏng trẻ em (Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác), khi phát hiện trường hợp bị bỏng cần nhanh chóng tách nạn nhân khỏi tác nhân gây bỏng. Sau đó, làm mát vùng bỏng bằng cách ngâm vào nước sạch trong khoảng 30 phút. Lưu ý, nên sử dụng nguồn nước sẵn có như nước uống, nước máy, nước giếng… và dùng nước mát không dùng nước lạnh, nước ấm vì có thể làm tăng độ bỏng, đồng thời cắt bỏ quần áo khỏi vùng tổn thương. Sau đó, che phủ vết thương cho nạn nhân bằng khăn, vải sạch, bông gạc… và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo tai nạn thương tích ở trẻ khi vào hè

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.