Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người bệnh được hưởng lợi

Thu Trang| 15/04/2019 08:05

(HNM) - Thời gian qua, số lượng bệnh viện tư trên địa bàn Hà Nội ngày càng gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó, các bệnh viện công đang bước đầu thực hiện tự chủ tài chính. Đây sẽ là thời điểm cạnh tranh quyết liệt về chất lượng, về nguồn nhân lực giữa bệnh viện công - tư...

Chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam


Cuộc chiến giành “thượng đế”, bác sĩ

Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc đã tiếp nhận trung bình từ 1.000 đến 1.200 bệnh nhân/ngày. Từ tháng 3-2019, bệnh viện tiếp tục đưa vào hoạt động cơ sở 2 tại 216 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với quy mô 7.000m2 được thiết kế theo mô hình “bệnh viện - khách sạn”. Mới đây, qua kiểm tra tại bệnh viện này, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá cao các dịch vụ y tế tại đây. Bệnh viện đã đạt 4,3 điểm/5 điểm theo 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 2-2019, trên địa bàn Hà Nội có thêm Bệnh viện Đa khoa Phương Đông (ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đi vào hoạt động với quy mô hơn 1.000 giường bệnh, diện tích gần 10ha cùng hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia, bác sĩ chuyên môn cao. Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội còn có rất nhiều bệnh viện tư chất lượng cao như: Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, sự đóng góp của các cơ sở y tế tư nhân không chỉ dừng lại ở việc giải quyết bài toán quá tải ở bệnh viện công lập, mà còn giúp đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mở ra thêm lựa chọn mới cho người dân trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối ưu, toàn diện.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện thành phố có 2.956 cơ sở y tế tư nhân, trong đó có 35 bệnh viện tư. Lực lượng cơ sở y tế tư nhân lớn đang tạo áp lực không nhỏ cho khối bệnh viện công lập. Trong số 42 bệnh viện công lập đa khoa và chuyên khoa trực thuộc ngành Y tế Thủ đô có 18 bệnh viện bước đầu thực hiện tự chủ tài chính.

Ông Đỗ Khắc Huỳnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ, bệnh viện đã phải xây dựng một đội ngũ cán bộ, nhân viên có chuyên môn giỏi và nghiệp vụ tốt, không ngừng bồi dưỡng về y đức cũng như thái độ phục vụ người bệnh. Ngoài ra, để thu hút được người bệnh, bệnh viện còn triển khai đa dạng các loại hình dịch vụ, trong đó tập trung xây dựng những khu khám theo yêu cầu, những khoa, phòng chất lượng cao…

Tuy nhiên, so với bệnh viện tư đã có kinh nghiệm tự chủ tài chính, các bệnh viện công gặp khó khăn hơn. Một trong những khó khăn mà bệnh viện công phải đối mặt, đó là chính sách thu hút nguồn nhân lực. Hiện giám đốc các bệnh viện công đang đau đầu về vấn đề nguồn nhân lực do có không ít bác sĩ “nhảy việc” sang khối y tế tư nhân với các chính sách đãi ngộ tốt hơn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, dù tự chủ tài chính, các bệnh viện vẫn phải tuân thủ quy định của Nhà nước trong tuyển dụng nhân lực. Đối với bệnh viện tư nhân, họ sẵn sàng sa thải nhân viên nếu làm việc không tốt hoặc tự tuyển chọn nhân viên phù hợp, song với bệnh viện công lập lại không thể.

Sau khi tại một bệnh viện chuyên khoa xảy ra tình trạng 20% y, bác sĩ xin thôi việc, Sở Y tế Hà Nội đã có buổi làm việc với bệnh viện này để tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Một trong 3 nguyên nhân khiến các y, bác sĩ xin nghỉ là do mức lương không đủ sống. Tại bệnh viện này, có những bác sĩ có thâm niên, chuyên môn cao nhưng mức lương chưa được 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, có bệnh viện tư sẵn sàng mời họ về làm việc với mức lương khoảng 300 triệu đồng/tháng…

Tạo sự cạnh tranh lành mạnh

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, tính cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường khiến không ít phòng khám, bệnh viện tư rơi vào cảnh thua lỗ vì không thu hút được người bệnh. Thế nhưng, nhiều bệnh viện tư, với hướng đi đúng đắn, luôn nêu cao y đức, nâng cao y thuật đã khẳng định được vị thế của mình, tạo được niềm tin đối với người bệnh.

“Trên thực tế, có những bệnh viện tư làm rất tốt nhưng cũng có những nơi thực hiện chưa đúng quy định, làm ảnh hưởng chung đến hệ thống y tế tư nhân. Vì vậy, với bất cứ trường hợp nào vi phạm, dù bệnh viện tư hay công cũng cần xử lý nghiêm. Cùng với đó, các chính sách cần có sự công bằng, bình đẳng giữa các cơ sở công lập và tư nhân, tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình y tế”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Khám bệnh cho người nước ngoài tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Thu Cúc.


Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, sự cạnh tranh giữa khối y tế công - tư sẽ giúp cho người bệnh và bệnh viện được hưởng lợi. Trước hết, khi con người bị sức ép phải gắn kết vì mục tiêu chung nhiều hơn thì nơi đó sẽ phát triển, tiêu cực dần bị loại trừ.

Ngược lại, nơi nào không loại được tiêu cực thì nơi đó sẽ phải sớm từ bỏ cuộc chơi. Do đó, muốn tồn tại, mỗi bệnh viện cần tập trung kiện toàn nhân lực, trang thiết bị, phát triển chuyên môn, kỹ thuật, thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân để tạo được uy tín, thương hiệu cho mình.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, dù là y tế công hay tư, bệnh viện vẫn phải là nơi cứu người, bảo đảm được tính nhân văn của ngành Y. Do đó, không thể vì áp lực nguồn thu, mà có những hành vi không thể chấp nhận được như: Lạm dụng dịch vụ y tế, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế… Bộ Y tế đang bàn các giải pháp giúp hệ thống cơ sở y tế tư nhân và các bệnh viện tự chủ có các điều kiện hoạt động thuận lợi hơn, phát triển đúng tiềm năng và nhu cầu của xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người bệnh được hưởng lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.