Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh: Tránh nhiều hệ lụy

Thu Trang| 13/07/2019 07:00

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, sau nhiều nỗ lực trong công tác dân số, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm từ 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2015, xuống còn 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái trong 6 tháng đầu năm 2019. Thế nhưng, ở nhiều vùng ngoại thành, chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức báo động, tiếp tục cần có những can thiệp mạnh mẽ, kịp thời để tránh nhiều hệ lụy khó lường.

Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm nhưng vẫn cần những giải pháp can thiệp hiệu quả, kịp thời. Ảnh: Bá Hoạt

Hậu quả khi “khát” con trai

Tỷ số giới tính khi sinh (trẻ sinh ra còn sống) ở mức cân bằng tự nhiên là từ 103 đến 107 trẻ trai/100 trẻ gái. Tuy nhiên, những năm gần đây, Hà Nội luôn nằm trong danh sách địa phương dẫn đầu cả nước về mất cân bằng giới tính khi sinh.

Theo báo cáo của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, kết thúc năm 2018, lần đầu tiên, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh của Hà Nội đạt 113 trẻ trai/100 trẻ gái, thấp hơn bình quân của cả nước (115,1 trẻ trai/100 trẻ gái). Trong 6 tháng qua, tỷ số này tiếp tục “hạ nhiệt”, còn 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái. Dù tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã giảm nhẹ, nhưng tại nhiều huyện, như: Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Mỹ Đức, Hoài Đức, Mê Linh..., tỷ số chênh lệch vẫn ở mức báo động. Cụ thể, 6 tháng qua, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh ở huyện Sóc Sơn lên tới 120 trẻ trai/100 trẻ gái, huyện Quốc Oai là 117 trẻ trai/100 trẻ gái, huyện Mỹ Đức 115 trẻ trai/100 trẻ gái…

Sóc Sơn là địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất của Hà Nội. Bà Trần Thị Thúy Miên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, nhiều năm qua, huyện đã nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân, trong đó tập trung vào những xã có mức chênh lệch trẻ trai cao hơn nhiều so với trẻ gái. Thế nhưng, từ năm 2010 đến nay, nhiều xã, như: Tân Dân, Việt Long, Tiên Dược… và thị trấn Sóc Sơn, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh hầu như không giảm.

Còn theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức, với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ ngày càng phát triển, cộng với tâm lý “khát” con trai để có người “thờ cúng tổ tiên" và chăm sóc bố mẹ khi về già đã khiến việc lựa chọn giới tính thai nhi cũng tăng theo.

Ngồi tại phòng chờ Bệnh viện Phụ sản trung ương, chị Nguyễn Thu H. (32 tuổi, quận Ba Đình) không cầm được nước mắt. Thông báo nguy cơ vô sinh mà bác sĩ vừa cho biết khiến chị bàng hoàng. Chị H. kể, con gái đầu lòng năm nay 7 tuổi, vì áp lực từ gia đình nên cách đây 3 năm, vợ chồng chị tham khảo sách báo, tính toán ngày giờ, ăn uống để sinh con trai. Thế nhưng, khi chị mang thai, đi siêu âm kết quả lại là con gái. Bàn đi tính lại, vợ chồng chị quyết định bỏ thai, dù đã ở tháng thứ 3. Vào bệnh viện, bác sĩ không cho phép, nên chị tìm đến phòng khám tư. “Sau lần đó, tôi không còn khả năng có thai. Nguyên nhân có thể là lần phá thai trước không an toàn”, chị H. buồn bã nói.

Ở góc độ rộng hơn, hệ lụy còn nhiều hơn thế. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục ở mức báo động, tương lai không chỉ nhiều đàn ông Việt Nam đối mặt nguy cơ ế vợ mà còn làm gia tăng bất bình đẳng giới, buôn bán phụ nữ, thậm chí nhiều phụ nữ có thể phải kết hôn sớm; tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ có nguy cơ gia tăng…

Giải quyết tận gốc

Tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh.           Ảnh: Thái Hiền

Giảm dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là việc làm cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, thời gian qua, các biện pháp, trong đó có việc kiểm tra, giám sát quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả chưa cao.

Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho rằng, trên cơ sở báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi tại 30 quận, huyện, thị xã trong 6 tháng đầu năm nay, không phát hiện trường hợp nào vi phạm. Thậm chí, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội còn cử cán bộ trong vai khách hàng để "thị sát" một số phòng khám tư, nhưng cũng không phát hiện vi phạm.

Bởi, giới tính không ghi trên giấy tờ, ở kết quả siêu âm mà là trao đổi riêng, dùng những ký hiệu, ám hiệu, trong khi muốn xử lý đòi hỏi phải có bằng chứng. “Để hạn chế tối đa sự gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh, không chỉ cần sự chung tay, phối hợp của cả hệ thống chính trị, xã hội và cộng đồng, mà còn phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Một trong những biện pháp căn bản, cốt lõi cần tiếp tục kiên trì thực hiện, đó là đẩy mạnh truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức, suy nghĩ và hành vi của người dân về bình đẳng giới”, ông Tạ Quang Huy nhấn mạnh.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em, trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp là nguyên nhân cơ bản của tâm lý “khát” con trai. Vì vậy, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội là giải pháp vừa cơ bản, vừa lâu dài. Mặt khác, tiếp tục thúc đẩy tiến bộ xã hội, nhất là vấn đề bình đẳng giới, nâng cao quyền của phụ nữ...

Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, tính đến 0h ngày 1- 4 - 2019, dân số Việt Nam là 96,2 triệu người, trong đó nam chiếm 49,8% và nữ chiếm 50,2%. Tỷ số giới tính (từ lúc sinh ra đến khi chết) là 99,1 nam/100 nữ. Tuy nhiên, kết thúc năm 2018, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh tăng nhanh và ở mức 115,1 trẻ trai/100 trẻ gái - cao nhất từ trước đến nay. Nếu không can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ có nguy cơ dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới trong độ tuổi kết hôn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh: Tránh nhiều hệ lụy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.