Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa bếp than tổ ong: Việc ý nghĩa, thiết thực

Nguyễn Mai| 18/07/2019 06:57

(HNM) - Nhằm hạn chế ảnh hưởng của bếp than tổ ong đối với sức khỏe người sử dụng và môi trường, thành phố Hà Nội đã có chủ trương hạn chế, tiến tới xóa bỏ bếp than tổ ong vào năm 2020 (trước mắt là ở khu vực nội thành). Bằng nhiều giải pháp, như tuyên truyền, giới thiệu các bếp thân thiện với môi trường..., việc xóa bếp than tổ ong đã đạt kết quả bước đầu. Thời gian tới, thành phố tiếp tục nghiên cứu ban hành quy định, đồng thời tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng về việc làm ý nghĩa, thiết thực này.

Sớm xóa bỏ bếp than tổ ong để thiết thực xây dựng Thủ đô hiện đại, sạch đẹp.

Quán phở của gia đình ông Trần Minh Thanh, tổ 26, phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) khá đông khách. Nhiều năm nay, gia đình ông Thanh sử dụng bếp than tổ ong để nấu phở. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền về tác hại của bếp than tổ ong, ông Thanh đã chuyển sang dùng bếp điện để đun nấu. 

Quận Hoàn Kiếm là quận được thành phố thí điểm xóa bếp than tổ ong. Thông qua công tác tuyên truyền về mức độ nguy hại đối với sức khỏe người sử dụng và môi trường, đồng thời tổ chức các ngày hội đổi bếp than lấy bếp gas và khám sức khỏe cho người sử dụng bếp than tổ ong, nhiều hộ gia đình đã không dùng loại bếp này nữa.

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm Lê Đỗ Phương cho biết, thống kê cuối năm 2017, toàn quận có 2.525 bếp than tổ ong hoạt động, thì đến nay đã xóa được 1.436 bếp...

Tương tự, tại quận Ba Đình, việc vận động người dân không dùng bếp than tổ ong cũng có chuyển biến tích cực. Đầu năm 2018, toàn quận có 3.950 bếp than tổ ong, đến nay đã xóa được gần 1.600 bếp.

Mặc dù đạt một số kết quả khả quan, song việc xóa bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố vẫn gặp một số khó khăn. Được biết, trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) còn 10% số hộ sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu, chủ yếu do nhận thức của các hộ dân về mức độ nguy hại của việc đun nấu bằng loại bếp này chưa đầy đủ... Còn ở quận Ba Đình, việc xóa bếp than tổ ong cũng gặp trở ngại do đa số hộ gia đình sử dụng vào việc đun nấu nhằm tiết kiệm, nếu chuyển sang dùng bếp gas, bếp điện, chi phí sẽ cao hơn... 

Về thực tế này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định phân tích, các hộ gia đình chưa từ bỏ bếp than tổ ong chủ yếu là do thói quen, hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn... Mặt khác, hiện chưa có quy định về việc cấm sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu...

Các hộ dân quận Ba Đình đang sử dụng bếp than tổ ong được tư vấn, giới thiệu bếp cải tiến thân thiện với môi trường.

Còn ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, giải pháp quan trọng vẫn là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, để thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trước cộng đồng; đồng thời, có giải pháp hỗ trợ người dân thay thế bếp than tổ ong bằng các loại bếp thân thiện với môi trường.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu của thành phố đến năm 2020 xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, trước mắt là ở khu vực nội thành.

Trong đó, ngoài việc tuyên truyền, Sở phối hợp với UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) triển khai thí điểm xóa bếp than tổ ong, giới thiệu các bếp thân thiện với môi trường... Từ đó, làm cơ sở xây dựng lộ trình, giải pháp hạn chế, tiến tới không sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố. 

Khẳng định về việc thực hiện định hướng đúng đắn này của thành phố, ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Sở đang nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định loại bỏ bếp than tổ ong... Từ kết quả thí điểm tại quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, Sở sẽ tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác, dự kiến, đến hết năm 2019, Hà Nội sẽ thay thế được 70% số bếp than tổ ong.

Với những kết quả bước đầu, việc tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng, từ đó tự giác không dùng bếp than gây hại cho môi trường là việc làm ý nghĩa, thiết thực, cần được thực hiện hiệu quả hơn nữa trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) khẳng định: Cuối năm 2017, toàn thành phố có khoảng 55.000 bếp than tổ ong (63% số bếp ở nội thành), đến hết năm 2018 đã xóa được 16.670 bếp. Hiện nay, chưa có thống kê cụ thể, song chắc chắn số lượng bếp than tổ ong tiếp tục giảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa bếp than tổ ong: Việc ý nghĩa, thiết thực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.