Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục tình trạng nước sinh hoạt không bảo đảm tại một số chung cư: Cần quy rõ trách nhiệm

Hoàng Minh| 20/07/2019 08:25

(HNM) - Thời gian qua, một số chung cư trên địa bàn Hà Nội xảy ra tình trạng nước sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh, chất lượng nhưng vẫn được cấp cho cư dân. Điều đáng nói, thay vì tìm nguyên nhân để khắc phục, thì ban quản trị, ban quản lý các tòa nhà lại đổ lỗi cho đơn vị cấp nước hoặc chủ đầu tư và ngược lại... Việc "đá bóng" trách nhiệm cho thấy, nếu không quy rõ trách nhiệm cụ thể của từng bên liên quan thì việc đùn đẩy sẽ còn tiếp diễn...

Chung cư CT12 Văn Phú (quận Hà Đông) - nơi xảy ra tình trạng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng nhưng vẫn bán cho cư dân.

Nhiều chung cư còn nước nhiễm bẩn

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.272 nhà chung cư đang hoạt động tại 22 quận, huyện, trong đó 841 chung cư có bể chứa nước trung gian, tức là đơn vị cấp nước cung cấp đến đồng hồ tổng trước khi đưa vào bể chứa, hoặc mạng lưới cục bộ của chung cư. Mặc dù chất lượng nước sinh hoạt tại các chung cư ở Hà Nội những năm gần đây được cải thiện, song trên thực tế còn xảy ra tình trạng nước sinh hoạt chưa bảo đảm vẫn được cấp cho cư dân tại một số tòa nhà.

Vụ việc nước sinh hoạt nhiễm bẩn xảy ra tại chung cư CT12 Văn Phú, phường Phú La (quận Hà Đông) vừa xảy ra cuối tháng 5 vừa qua là một ví dụ. Được biết, từ tháng 3-2019, nước sinh hoạt tại chung cư CT12 Văn Phú bắt đầu có biểu hiện khác thường, mùi rất tanh, màu vàng sậm, hoặc đỏ với nhiều vẩn đục. Khi phát hiện, Ban Quản trị, Ban Quản lý và một bộ phận cư dân chung cư CT12 đổ lỗi cho đơn vị cấp nước. Tuy nhiên, sau đó nguyên nhân được xác định là do lâu Ban Quản lý tòa nhà không thau rửa bể chứa nước ngầm; nắp bể không có lưới chắn côn trùng... 

Tương tự, cuối tháng 5, đầu tháng 6-2019, cư dân chung cư New Horizon City, phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cũng khổ sở khi nước sinh hoạt cung cấp tại tòa nhà có màu đục, nhiều cặn. Theo phản ánh của cư dân, khi phát hiện nước có màu bất thường, không thể sử dụng để tắm giặt, ăn uống, người dân đã báo ngay cho Ban Quản lý tòa nhà và chủ đầu tư, nhưng sự phối hợp để tìm ra nguyên nhân rất chậm chạp.

Trước đó, giữa năm 2018, tại chung cư Xuân Mai Riverside, phường Mộ Lao (quận Hà Đông) cũng xảy ra tình trạng nước sinh hoạt có màu vàng, mùi hôi... kéo dài, nhưng vẫn được cấp cho cư dân. Chỉ đến khi nhiều cư dân bị nôn ói, đau bụng, đi ngoài... thì mới vỡ ra căn nguyên là do bể phốt và hệ thống tiêu thoát nước thải rò rỉ, ngấm vào bể nước sinh hoạt. 

Là đơn vị cấp nước sạch, ông Phạm Ngọc Hoan, Trưởng phòng Tổng hợp, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông cho biết: “Hiện công ty chỉ cấp nước tới đồng hồ tổng cho tất cả chung cư trên địa bàn quận Hà Đông. Theo quy định, chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm chất lượng nước đến đồng hồ tổng, còn từ đồng hồ tổng vào đến từng hộ dân do ban quản trị, ban quản lý các tòa nhà... chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố nước nhiễm bẩn, cư dân, ban quản trị, ban quản lý các tòa nhà đều đổ hết lỗi cho... công ty”.

Xác định rõ nguyên nhân để khắc phục 

Từ những vụ việc cụ thể trên cho thấy, nguyên nhân gây nên tình trạng nước nhiễm bẩn có thể do chất lượng công trình bể chứa nước hoặc hệ thống cấp nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng, nhưng vẫn được các đơn vị chức năng nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Trong khi đó, khi sự cố xảy ra, các bên có trách nhiệm quản lý lại đổ lỗi cho nhau; còn chính quyền các xã, phường nơi có chung cư cũng ít quan tâm tới việc này khiến nỗi bức xúc của cư dân cứ âm ỉ, kéo dài không được giải quyết. 

Để hạn chế những hiện tượng trên, ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng, Sở Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, Sở yêu cầu đơn vị vận hành hệ thống cấp nước tại các chung cư thực hiện nghiêm việc thau rửa bể chứa, súc, xả đường ống định kỳ, và chủ động thực hiện nội kiểm chất lượng nước theo quy định. Ngoài ra, Sở Xây dựng thường xuyên đôn đốc các đơn vị cấp nước phối hợp với Sở Y tế kiểm tra chất lượng nước, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước để đề xuất giải pháp khắc phục...

Rõ ràng, việc quản lý nước sạch liên quan đến nhiều bên, nhưng trước hết trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư các tòa nhà, trong đó phải bảo đảm chất lượng hệ thống cấp nước sạch trước khi đưa công trình vào sử dụng. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị nghiệm thu công trình phải làm đúng quy định về xây dựng. Đồng thời, ban quản lý, ban quản trị chung cư phải tăng cường kiểm tra, giám sát các hạng mục cấp nước để kịp thời tìm nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Và mỗi cư dân hãy tìm hiểu kỹ chất lượng công trình trước khi dọn về ở để tẩy chay những dự án kém chất lượng...

Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11-7-2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định: Các đơn vị cấp nước phải bảo đảm chất lượng nước đến vị trí đồng hồ tổng trước khi chảy vào hệ thống bể ngầm của các chung cư; việc vệ sinh hệ thống cấp nước sau đồng hồ tổng do một hoặc nhiều đơn vị tham gia quản lý, chịu trách nhiệm, có thể do chủ đầu tư tòa nhà, ban quản trị, ban quản lý tòa nhà hoặc cộng đồng tự quản lý...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tình trạng nước sinh hoạt không bảo đảm tại một số chung cư: Cần quy rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.