Theo dõi Báo Hànộimới trên

"ATM gạo" miễn phí ở Hà Nội: Những hạt gạo nghĩa tình

Dung-Ngân| 01/05/2020 06:48

(HNMO) - Sang tháng 5, các Mạnh thường quân lại bước vào những ngày tất bật để phát gạo miễn phí qua "ATM gạo" cho người nghèo, khó khăn.

Xuất phát từ mong muốn "để không ai bị bỏ lại phía sau", những tấm lòng hảo tâm đã ngày đêm miệt mài vận động, kêu gọi và trực tiếp ủng hộ tiền, công sức để "hồi sức" cho những hoàn cảnh khó khăn giữa vòng xoáy của dịch Covid-19. Hành động đẹp này đã lan tỏa ra thế giới, với lời khen ngợi dành cho những chiếc "ATM gạo" ngày đêm "cho đi sự tử tế".

"ATM gạo" tại phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).

Những hạt gạo nghĩa tình

Chiều 29-4, một ngày trước khi điểm phát gạo miễn phí tại cây "ATM gạo" ở phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) ngừng hoạt động. Vừa nhận được gói gạo do các chiến sĩ trao tận tay, bà Triệu Thị Tình, 60 tuổi, thuê trọ tại phường Phương Canh (quận Bắc Từ Liêm) vội vàng ra về với hy vọng chạy thêm được cuốc xe ôm. Bà Tình kể, 5 năm trước bà lặn lội từ huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa ra Hà Nội để tìm việc làm. Công việc đầu tiên là bán bánh mì ở dọc Đại lộ Thăng Long. Cả ngày đứng chùn chân, mỏi gối, bà chỉ kiếm được 20.000-30.000 đồng. Tối về xóm trọ, có ai thuê làm việc vặt như rửa bát hay phục vụ hàng ăn thì bà lại tranh thủ để đủ tiền thuê trọ và cơm ăn. Hơn 3 năm đứng bán bánh mì, khó vẫn hoàn khó, bà được đứa cháu ở quê cho chiếc xe cũ xoay sang làm xe ôm, nhưng khách đi cũng ít.

"Điểm phát gạo miễn phí này diễn ra nhiều ngày nhưng vì ở xa nên hôm qua tôi mới đến nhận gạo, hôm nay đến xin thêm để đủ cơm ăn hai tuần", bà Tình bày tỏ.

Sáng 30-4, điểm "ATM gạo" tại Nhà Văn hóa quận Bắc Từ Liêm đông đúc, nhưng không khó để nhận ra dáng vẻ vất vả của chị Phạm Thị Sảnh, tổ dân phố Phúc Lý 2, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Chị Sảnh bị khuyết tật mắt, có một người con gái bị bệnh động kinh. Hằng ngày, chị làm đủ mọi việc, nhặt cỏ, rửa bát thuê... để lấy tiền mua gạo. Khi dịch bệnh xảy ra, công việc của chị càng bấp bênh, hơn nửa tháng không có việc làm. Vì vậy, khi nghe tin có "ATM gạo" tại Nhà Văn hóa quận phát miễn phí, chị rất mừng. Tuy nhiên, chị rụt rè không dám đến vì mặc cảm. Chỉ đến khi được hàng xóm động viên, chị mới mạnh dạn đến và rất cảm động khi được nhận 3 kg gạo đầu tiên.

Chị Hoàng Tuyết Chinh, số 251 Kim Mã (quận Ba Đình) được ưu tiên không phải xếp hàng bởi bị bệnh cột sống, mới tạm hồi phục sau thời gian liệt nửa người tại điểm "ATM gạo" của nhóm "Ai cần đến lấy" số 12 Đào Tấn, quận Ba Đình. Chị nhận gạo rồi vội vã trở về nhà với hai đứa con và người chồng bị liệt hai chân. Dịch Covid-19 khiến gánh nặng kinh tế trĩu đôi vai chị, túi gạo nghĩa tình đã giúp chị giảm bớt một khoản chi phí trong cuộc sống hằng ngày.

Cho đi là còn mãi

"Nếu bạn là người tới lấy quà mang đi, chúng tôi cũng cảm ơn chân thành. Nếu bạn là người tới giúp đỡ, chúng tôi chân thành cảm ơn.... Lúc này bạn cần, bạn cứ tới lấy, sau này bạn có hãy mang lại cho chúng tôi vì tất cả chúng ta đều cần lẫn nhau"... tấm lòng của các Mạnh thường quân đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ. Người thì góp từ hàng chục đến hàng trăm cân gạo, người thì góp sức, miệt mài ngày đêm đóng gói, nhận hàng, vận chuyển và trực tiếp đứng phát gạo cho người cần của nhóm "Ai cần đến lấy". Dự kiến, đến ngày 5-5, nhóm sẽ hoàn thành "sứ mệnh" không bỏ lại ai phía sau qua hơn 1 tháng triển khai.

Trong thiên tai, dịch bệnh, những lao động phi chính thức, người nghèo, người ốm đau, bệnh tật... chịu nhiều tác động nhất. Sự "cho đi" của nhóm "Ai cần đến lấy" tại điểm phát quà số 12 Đào Tấn, quận Ba Đình được thể hiện bằng 950 suất gạo (1 kg/suất) được phát mỗi ngày, bắt đầu từ 8h và kết thúc vào lúc 16h, bất kể trời mưa hay nắng... đã góp phần làm vơi đi những khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh. Bà Phạm Ngọc Anh, đại diện nhóm "Ai cần đến lấy" tại 12 Đào Tấn chia sẻ: "Chúng tôi chỉ phát mỗi lần 1 kg gạo với mục đích nhắm đến những người thực sự cần".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ một nhà sách lớn tại Hà Nội là người có sáng kiến triển khai chương trình phát gạo miễn phí nhằm giúp đỡ người dân gặp khó khăn trong đại dịch. Ông Hùng cho biết, ông dùng cái tâm của mình để thực hiện "ATM gạo", còn những tấn gạo hằng ngày phát cho người dân là từ các nhà hảo tâm khác giúp đỡ. Nhờ có tinh thần "tương thân, tương ái" của cộng đồng mà hai cây "ATM gạo" tại Nhà Văn hóa Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) và Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Bắc Từ Liêm cứ vơi lại đầy, với những xe tải chở gạo được chở đến mỗi ngày để giúp đỡ người khó khăn.

Người dân nhận gạo tại "ATM gạo" Kiêu Kỵ.

"Trung bình mỗi ngày gần 2.000 người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật... đến nhận gạo miễn phí tại "ATM gạo" phường Nghĩa Tân. Qua 19 ngày liên tiếp thực hiện phát gạo, các nhà hảo tâm đã cấp phát cho gần 30.000 lượt người, mỗi người 3kg gạo, tổng hơn 90 tấn gạo", ông Lâm Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết.

Theo ông Thảo, trải qua những ngày cùng chung sức chung lòng với các Mạnh thường quân, có rất nhiều hoàn cảnh, mảnh đời cần được giúp đỡ, sẻ chia khó khăn. Lực lượng đã rất quan tâm, ưu tiên những người khuyết tật, người già...  Điều này thể hiện mong muốn, sự hỗ trợ đến một cách nhanh nhất với những người có hoàn cảnh đặc biệt.

Ngày 29-4 là ngày vất vả nhưng đầy niềm vui của cán bộ, đoàn viên, thanh niên và hội viên Hội Chữ thập đỏ xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) khi hoàn thành việc phát gạo miễn phí từ 2 cây "ATM gạo" lưu động đầu làng Kiêu Kỵ và Tổ dân phố Anh Đào (thị trấn Trâu Quỳ). Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ cho biết, hơn 10 tấn gạo được các đoàn viên thay nhau đổ đầy bình chứa của "ATM gạo" để phát cho hơn 3.000 người dân, người lao động, mỗi người 3kg. Đây là tấm lòng thơm thảo của một Mạnh thường quân muốn thông qua UBND xã để chia sẻ gánh nặng cho người dân, đặc biệt là người lao động mất việc, rơi vào khó khăn do dịch bệnh. "Dù vất vả nhưng chúng tôi rất vui vì đã góp phần lan tỏa thông điệp "bầu ơi thương lấy bí cùng".... Và sẽ không tiếc khi người góp công, người góp sức để nhanh chóng đẩy lùi dịch", ông Thanh chia sẻ.

Cho đến nay, chưa có số liệu thống kê cụ thể trên địa bàn Hà Nội có bao nhiêu cây "ATM gạo" miễn phí. Tuy nhiên, sự "phủ sóng" rộng khắp của hàng chục cây "ATM gạo" trên các nẻo đường Hà Nội đã tiếp thêm sức mạnh cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn chống lại dịch bệnh. Đó là 2 cây "ATM gạo" của ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ một nhà sách lớn tại Hà Nội tại quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm với trung bình 2.000 người được nhận gạo mỗi ngày tại 1 điểm, mỗi điểm kéo dài phát gạo 20 ngày. Đó là hàng chục điểm "ATM gạo" miễn phí trên địa bàn Hà Nội của nhóm "Ai cần đến lấy". Đó cũng là "ATM" gạo do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mang đến cho hơn 7.000 lượt người với 21 tấn gạo. Cán bộ, đảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng trích một tháng tiền ăn trưa để xây dựng "Cây gạo NEU" nhằm chung tay hỗ trợ đồng bào. "ATM thực phẩm miễn phí" của Báo Người lao động tại Hà Nội đã kịp thời trao gạo và thực phẩm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Báo Nông thôn ngày nay cũng phát 10 tấn gạo, mỗi người nghèo được chia sẻ 5 kg....

Và còn nhiều lắm những tấm lòng hảo tâm, những cây gạo miễn phí đang âm thầm cho đi những yêu thương với người gặp khó khăn trong đại dịch. Những hành động đẹp này không chỉ lan tỏa trong phạm vi Hà Nội hay đất nước chúng ta, nó đã thực sự lan tỏa với bạn bè các nước, bằng những lời cảm phục và trân trọng tấm lòng tương thân tương ái của người Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"ATM gạo" miễn phí ở Hà Nội: Những hạt gạo nghĩa tình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.