Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội: Cần nâng cả chất và lượng

Nhóm phóng viên| 01/09/2020 06:16

(HNM) - Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 351 nhà vệ sinh công cộng, gồm: 176 nhà xây dựng bằng gạch trước năm 1990; 91 nhà vệ sinh vỏ thép được thành phố đầu tư giai đoạn 2003-2010; 84 nhà vệ sinh do doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt theo chủ trương xã hội hóa từ năm 2017.

LTS: Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh công cộng, đáp ứng sự phát triển đô thị văn minh, hiện đại, đặc biệt là nhu cầu phát triển du lịch của thành phố. Là "công trình phụ" song không thể phủ nhận tầm quan trọng của nhà vệ sinh công cộng mang lại, giải quyết nhu cầu thiết thực cho người dân. Song, để nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội thực sự phát huy hiệu quả cần nâng cả chất và lượng.

Bài 1: Vẫn còn bất cập

(HNM) - Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 351 nhà vệ sinh công cộng, gồm: 176 nhà xây dựng bằng gạch trước năm 1990; 91 nhà vệ sinh vỏ thép được thành phố đầu tư giai đoạn 2003-2010; 84 nhà vệ sinh do doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt theo chủ trương xã hội hóa từ năm 2017. Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, bên cạnh các nhà vệ sinh đáp ứng đầy đủ tiêu chí thành phố đặt ra như: Miễn phí, sạch sẽ, phục vụ tốt, nhiều nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn Hà Nội vẫn còn không ít bất cập khiến việc vận hành chưa hiệu quả.

Nhà vệ sinh công cộng trên phố Đặng Văn Ngữ (quận Đống Đa) luôn được dọn dẹp sạch sẽ.

Chỗ sạch sẽ, nơi xuống cấp

Sáng 28-8, có mặt tại Vườn hoa hồ Đền Lừ, phố Nguyễn Đức Cảnh, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận nhà vệ sinh công cộng lắp đặt tại đây có khá đông người sử dụng. Chị Nguyễn Đức Hạnh, phố Nguyễn Đức Cảnh chia sẻ: "Hằng ngày chúng tôi ra hồ tập thể dục thấy nhân viên trông coi nhà vệ sinh công cộng ở đây thường xuyên dọn dẹp, sàn vệ sinh rất sạch sẽ. Ai có nhu cầu đi vệ sinh hay rửa tay đều được phục vụ đầy đủ giấy, xà phòng". 

Còn tại khu vực phố Lê Thanh Nghị, Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng), hồ Nam Đồng (quận Đống Đa), các nhà vệ sinh công cộng cũng được duy trì khá sạch sẽ và phục vụ miễn phí cho người sử dụng. Chị Nguyễn Thị Kim Nhung, công nhân trông coi nhà vệ sinh khu vực hồ Nam Đồng cho biết: Nhờ được công ty trang bị đầy đủ giấy vệ sinh, xà phòng, các dụng cụ cọ, quét; trang thiết bị đi kèm nhà vệ sinh tốt nên việc thu dọn, lau chùi nhà vệ sinh rất thuận lợi. 

Tuy vậy, bên cạnh những nơi sạch sẽ, phục vụ tốt thì cũng có nhiều nhà vệ sinh đã xuống cấp, rò rỉ nước, thậm chí không thể sử dụng. Đơn cử, tại nhà vệ sinh ở đối diện số 1160 đường Láng (quận Đống Đa), rất khó tìm thấy lối vào do nhiều cây mọc um tùm chắn cửa chính, ổ khóa đã gỉ sét. Anh Lê Đình Thân, làm nghề xe ôm ở khu vực này cho biết: "Cửa nhà vệ sinh này đóng im ỉm từ nhiều tháng nay. Nhiều người đi đường có nhu cầu đi vệ sinh nhưng không vào được nên đã tùy tiện phóng uế ra sát nhà vệ sinh khiến cả khu vực bốc mùi hôi thối". Tương tự, nhà vệ sinh đối diện số 538 đường Láng cũng bị "đắp chiếu" từ lâu. Theo quan sát, toàn bộ phần vỏ ngoài bị bong lớp sơn, gỉ sét, phần chân cửa nhà vệ sinh bị bong, gãy.

Cùng chung cảnh ngộ, nhà vệ sinh công cộng ở ngã tư Nguyễn Cơ Thạch - Hàm Nghi hay nhà vệ sinh công cộng gần chung cư Constrexim ở đường Dương Đình Nghệ có phần thép mặt ngoài bị bong tróc, hoen gỉ gần hết, trong khi toàn bộ thiết bị bên trong xập xệ, cũ kỹ...

Nhà vệ sinh công cộng bị bỏ hoang lâu ngày tại khu vực đối diện số 538 đường Láng.

Tăng cường công tác quản lý, duy trì

Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn thành phố được lắp đặt chủ yếu tại các khu vực công cộng như vườn hoa, công viên, hồ điều hòa, bến xe, nhà ga... để phục vụ nhu cầu của người dân. Về công tác quản lý, vệ sinh, theo phân cấp, từ ngày 1-1-2017, UBND các quận chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức duy trì các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn. Riêng các nhà vệ sinh công cộng do doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt theo hình thức xã hội hóa, Sở Xây dựng tạm thời quản lý và giao Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) thực hiện duy trì.

"Nhìn chung, các nhà vệ sinh được duy trì thực hiện vệ sinh thường xuyên, cơ bản sạch sẽ, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân. Song, cũng có nơi còn hiện tượng thiếu nước rửa tay, giấy vệ sinh, phát tán mùi, tiêu thoát nước chậm, trong đó có nhà vệ sinh đã xuống cấp...", ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.

Là đơn vị được URENCO giao nhiệm vụ quản lý, duy trì hệ thống nhà vệ sinh công cộng do doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt theo hình thức xã hội hóa, ông Trần Văn Khải, Phó Giám đốc URENCO - Chi nhánh Cầu Diễn cho biết: Trong quá trình đưa vào sử dụng và thực hiện duy trì, nhiều nhà vệ sinh đã xuất hiện tình trạng hỏng hóc một số lỗi kỹ thuật như: Máy bơm không hoạt động, mái nhà dột, đường ống nước thải rò rỉ, tràn nước bể phốt. Đặc biệt, nhà vệ sinh đối diện số 27 phố Trần Khánh Dư và đối diện số 111 phố Trịnh Công Sơn bị tắc đường thoát bể phốt do lỗi kết cấu hạ tầng. Thậm chí, một số nhà vệ sinh không được duy tu hoặc "đắp chiếu" không sử dụng đã lâu ngày... 

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội: Cần nâng cả chất và lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.