Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Hiệu quả từ số hóa trạm y tế

Tuệ Diễm| 04/12/2020 06:41

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh ứng dụng phần mềm cho hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế nhằm giảm bớt thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí... Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, khoảng 90% người dân trên địa bàn có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Thông qua hệ thống hồ sơ y tế điện tử của Trạm Y tế phường 16, bác sĩ Trung tâm Y tế quận Gò Vấp có thể thăm khám trực tiếp cho người bệnh tại cơ sở.

Tiện lợi cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế

Theo thống kê của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, trước đây, mỗi trạm y tế có đến 80 cuốn sổ ghi chép hoạt động khám, chữa bệnh. Điều này gây khó khăn cho nhân viên y tế, mất nhiều thời gian ghi chép, báo cáo. Tuy nhiên, kể từ năm 2019, thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa cho 110 trạm y tế, quản lý hoạt động thông qua phần mềm, mang lại sự thuận tiện cho bệnh nhân và nhân viên y tế.

Trạm Y tế phường 15, quận Tân Bình hiện quản lý 300 hồ sơ sức khỏe điện tử người dân có độ tuổi từ 45 đến 60 tuổi, mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, viêm phế quản... Bác sĩ Châu Quang Khải, Trạm trưởng Trạm Y tế phường 15 cho biết: “Từ khi có phần mềm quản lý hoạt động khám, chữa bệnh giúp chúng tôi theo dõi chi tiết tình hình sức khỏe của người dân từ chiều cao, cân nặng, tiền sử bệnh tật… đến đơn thuốc đã cấp trong các đợt điều trị”. Còn bà Nguyễn Thị Lan, 75 tuổi, đến khám tại Trạm Y tế phường 15 cho biết: “Có lần tái khám, tôi không mang theo đơn thuốc, nhưng bác sĩ có thể tra lại được thông tin qua phần mềm nên rất tiện lợi cho bệnh nhân”.

Trong khi đó, tại Trạm Y tế phường 16, quận Gò Vấp, bác sĩ Nguyễn Thị Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế cho biết, từ cuối năm 2018, trạm bắt đầu áp dụng các phần mềm quản lý hoạt động khám, chữa bệnh. Nhờ đó, các nhân viên y tế đã giảm bớt thời gian ghi chép, báo cáo để dành cho hoạt động chuyên môn. Còn bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cho biết: “Ngoài triển khai ứng dụng phần mềm quản lý hoạt động khám, chữa bệnh tại trạm y tế, một số đơn vị của quận còn được kết nối khám bệnh thông qua hệ thống khám bệnh từ xa với bệnh viện tuyến trên”.

Phấn đấu 90% dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử

Tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử tại trạm y tế, nhưng hệ thống y tế cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn gặp một số khó khăn. Đơn cử như Trạm Y tế phường 27, quận Bình Thạnh, là nơi giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho hơn 21.000 người dân trên địa bàn phường. Tuy nhiên, do nằm xa trung tâm và các bệnh viện trong quận, nên Trạm Y tế phường 27 đã có một thời gian dài chưa thể thu hút người dân địa phương đến khám, chữa bệnh.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND quận Bình Thạnh đã đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng của Trạm Y tế phường 27, cung cấp các trang thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho công tác khám, chữa bệnh. Với sự trợ giúp hữu ích này, Trạm Y tế phường 27 đã được Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh chọn làm một trong những trạm y tế đầu tiên triển khai lập hồ sơ sức khỏe điện tử trong giai đoạn 2020-2025.

Tại huyện Nhà Bè, nhiều trạm y tế cơ sở cũng đã được đổi mới hình thức, nội dung hoạt động theo hướng áp dụng mô hình y tế gia đình và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý khám, chữa bệnh cho người dân. Mới đây nhất, Trạm Y tế xã Long Thới (huyện Nhà Bè) đã được đầu tư nâng cấp theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Bác sĩ Trần Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nhà Bè cho biết, thông qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, các bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Trãi và Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện huyện Nhà Bè sẽ hỗ trợ Trạm Y tế xã Long Thới hình thành hệ thống bệnh án điện tử, thăm khám trực tuyến, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh cho người dân.

Trên quy mô toàn thành phố, ngoài việc giao nhiệm vụ cho các trạm y tế cơ sở vận động nhân dân đến khám, chữa bệnh, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với UBND các quận, huyện đẩy mạnh hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân hiểu được giá trị về việc có hồ sơ sức khỏe điện tử, để người dân hiểu và tham gia. Đồng thời, Sở Y tế cũng gấp rút mở rộng phạm vi ứng dụng phần mềm và sớm liên thông với nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở của Bộ Y tế.

Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Dự kiến năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn tất triển khai phần mềm dùng chung đến tất cả 319 trạm y tế trên toàn thành phố. Phấn đấu đến năm 2025, có tới 90% số dân thành phố có hồ sơ sức khỏe điện tử do trạm y tế cơ sở quản lý”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Hiệu quả từ số hóa trạm y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.