Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sách Việt ''vươn ra biển lớn'': Chủ động giới thiệu sách Việt đến đối tác nước ngoài

Vân Hạ| 12/11/2021 12:15

(HNMCT) - Mặc dù đã có những thành công nhất định nhưng việc xuất khẩu sách Việt vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với bà Phan Thanh Lan (Phụ trách bản quyền, NXB Kim Đồng) và bà Vũ Thủy (Giám đốc Hợp tác quốc tế, Thái Hà Books) xung quanh vấn đề này.

Bà Phan Thanh Lan.

- Muốn vươn ra thị trường nước ngoài thì phải tham gia các hội chợ sách quốc tế, theo bà, nhận định này có đúng không?

- Bà Vũ Thủy: Nhiều năm qua, ngành Xuất bản Việt Nam đã có bước tiến đáng kể về nhiều mặt, tuy nhiên, so với khu vực và thế giới thì còn một khoảng cách rất lớn. Vì vậy, việc tham gia hội chợ sách quốc tế của Thái Hà Books hay các đơn vị làm sách khác ở Việt Nam thể hiện mong muốn thu hẹp khoảng cách này, tìm kiếm cơ hội học tập từ các đơn vị xuất bản mạnh của nước ngoài.

Nếu các đơn vị xuất bản có đủ kinh phí, có chiến lược khai thác bản thảo thì đều nên đầu tư tham gia các hội chợ sách quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta nên chọn phương án tham gia với tư cách khách tham quan để vừa có cơ hội tiếp xúc với các đơn vị xuất bản uy tín, vừa khai thác nhiều tác phẩm “hot” trên thế giới. Bên cạnh đó, các đơn vị xuất bản có thể tiếp cận với những kỹ thuật in, làm sách đặc biệt, chất liệu giấy... để học hỏi, chuẩn bị cho những dự án xuất bản chất lượng tại Việt Nam. Đối với người quản lý thì hội sách quốc tế là nơi để học cách truyền thông, quảng bá sách, tổ chức sự kiện giao lưu gặp gỡ giữa tác giả với bạn đọc, các chuyên đề có liên quan tới sách và tìm hiểu trào lưu xuất bản trên thế giới.

Kinh nghiệm cho thấy phương án tham gia hội chợ quốc tế bằng cách đầu tư một gian hàng tại hội chợ thì hiệu quả mang lại không nhiều. Qua quan sát thì các gian hàng khá ảm đạm, ít khách tham quan, cách trưng bày đơn giản nên khó thu hút khách. Mặt khác, sách mang đi trưng bày đa phần là sách tiếng Việt, chưa có nhiều sách chuyển ngữ nên khách tham quan khó tiếp cận để cảm nhận được giá trị của cuốn sách.

- Từ kinh nghiệm thu được qua các tác phẩm đã bán bản quyền thành công của đơn vị mình, theo bà, các đơn vị xuất bản nước ngoài thường quan tâm đến mảng sách nào của Việt Nam?

- Bà Phan Thanh Lan:Cho đến thời điểm này, ngoài “Chang hoang dã - gấu”, “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Lược sử nước Việt bằng tranh”, “Cẩm nang phòng tránh xâm hại trẻ em” đã được bán bản quyền thành công ra nước ngoài, NXB Kim Đồng còn có một loạt tựa sách tranh truyện dân gian Việt Nam được các NXB tại Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan mua bản quyền, như “Tìm mẹ” (phiên bản truyện văn học và truyện tranh), “Ai mua hành tôi”, “Sự tích trầu cau”, “Cây nêu ngày Tết”, “Tấm Cám”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, “Sự tích con dã tràng”...

Từ kinh nghiệm xuất khẩu sách của Kim Đồng, có thể thấy, với đối tượng là người Việt sinh sống ở nước ngoài thì các đơn vị xuất bản nước ngoài thường chọn đề tài mang tính dân gian, truyền thống, những nét văn hóa đặc trưng. Còn với những NXB hướng đến độc giả rộng hơn hoặc độc giả bản ngữ, họ sẽ tìm những cuốn sách có đề tài mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, chống xâm hại và bóc lột trẻ em, bình đẳng giới...

- Bà Vũ Thủy:Tôi cho rằng các đơn vị xuất bản nước ngoài rất quan tâm tới các tác giả trẻ, các tác phẩm thuộc thể loại văn học mang hơi thở thời đại, thể hiện quan điểm sống hiện đại và tư tưởng khoáng đạt, mới mẻ.

Bà Vũ Thủy.

- Trong quá trình đưa sách Việt tiếp cận độc giả nước ngoài, những khó khăn mà các đơn vị xuất bản thường gặp phải là gì?

- Bà Phan Thanh Lan:Trong câu chuyện mang sách Việt ra thế giới, khi so sánh với một số nước láng giềng như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc..., chúng tôi nhận thấy ngành Xuất bản còn thiếu sự đầu tư dài hạn và có tính chiến lược về truyền thông, quảng bá, về thẩm định, lựa chọn và quan trọng nhất là khâu chuyển ngữ để có thể giới thiệu và phổ biến các tác phẩm, tác giả trong nước ra với thế giới một cách hiệu quả.

- Bà Vũ Thủy:Đúng vậy, sách Việt còn gặp nhiều khó khăn khi muốn xuất bản ra nước ngoài. Thứ nhất là ở việc chuyển ngữ. Bởi nếu chỉ đơn thuần dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh thì tác phẩm đó khó lòng tạo sự rung động của độc giả. Do vậy, việc chuyển ngữ rất quan trọng, tác giả hoặc NXB thường phải tìm kiếm dịch giả tại nước ngoài để sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ bản địa, thể hiện được cái hay, cái đẹp của vùng đất và con người Việt Nam. Chuyển ngữ được xem là rào cản lớn nhất cho các tác phẩm xuất ngoại.

Thứ hai là công tác truyền thông của đơn vị xuất bản/ tác giả. Các NXB và tác giả Việt bị hạn chế trong việc tiếp cận với các đơn vị xuất bản, các diễn đàn về xuất bản, nhóm tác giả trẻ trên thế giới. Do vậy, việc quảng bá và thể hiện hình ảnh không được thực hiện thường xuyên, chưa có tiếng nói hoặc chưa mạnh dạn đăng phần giới thiệu tác phẩm của mình.

Việc chọn đơn vị xuất bản nước ngoài phù hợp cũng hết sức quan trọng. “Một chiếc áo vừa vặn với mình để tỏa sáng” là điều mà các tác giả và đơn vị xuất bản Việt Nam cần lưu tâm. Thay vì đi ra các thị trường Âu Mỹ thì các tác giả có thể xem xét thị trường trong khu vực, thị trường có văn hóa tương đồng và gần gũi với Việt Nam.

Việc xuất bản quốc tế là một hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp, dựa trên những luật và quy định rất chặt chẽ, do vậy, cần có sự tư vấn của các đại diện trung gian thì việc tìm kiếm đối tác và giao dịch bản quyền sẽ thuận lợi và đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Một khó khăn nữa liên quan tới chính sách hỗ trợ từ các đơn vị chủ quản. Tại nhiều nước trong khu vực, việc vươn tới thị trường quốc tế không chỉ là nguyện vọng của các NXB và tác giả mà còn là chiến lược của các cơ quan quản lý nhà nước. Với những chiến lược này, chính phủ các nước sẽ tạo điều kiện và là cầu nối cho các tác giả và NXB có mặt tại những hội sách và diễn đàn quốc tế. Bên cạnh đó, chính phủ xây dựng những cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc xuất bản, dịch thuật. Chính phủ lập ra các quỹ và các tổ chức để hỗ trợ về mặt tài chính và thông tin cho những tác giả và NXB thực hiện được kế hoạch của mình.

- Trong thời gian tới, NXB Kim Đồng và Thái Hà Books có kế hoạch gì để tiếp tục đưa các tác phẩm đến với độc giả thế giới?

- Bà Phan Thanh Lan:NXB Kim Đồng tiếp tục lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu dịch sang tiếng Anh để giới thiệu đến bạn đọc quốc tế. Chúng ta phải là người chủ động giới thiệu đến các đối tác thông qua các hội sách quốc tế. Việc này thực sự phải rất kiên trì, năm nào cũng phải chọn sách để giới thiệu, vì hội sách là nơi có nhiều người đến tham quan và các đối tác tham dự.

Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành như hiện nay, khi việc tham dự các hội sách quốc tế tại nước ngoài gặp khó khăn, chúng ta cần tích cực tham gia các hội sách trực tuyến được tổ chức ở trong và ngoài nước. Ví dụ như đầu năm nay Cục Xuất Bản đã thành lập các công ty để thực hiện công việc giao dịch bản quyền hiện đại và chuyên nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ, tạo ra các sân chơi về giao dịch bản quyền giống như Book365.vn vừa rồi đã làm, đã phát huy hiệu quả, có tác dụng kết nối các NXB Việt Nam với các đơn vị xuất bản trong khu vực.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải bắt đầu từ phản hồi của các NXB nước ngoài để biết nên xây dựng đề tài như thế nào, nên lựa chọn những sách gì để giới thiệu. Đặc biệt, với mảng sách thiếu nhi, phần hình ảnh cũng rất quan trọng, nên nếu đã xác định muốn bán bản quyền thì cũng phải đầu tư cả phần hình ảnh.

- Bà Vũ Thủy:Hiện chúng tôi còn đang thương thảo bán bản quyền một cuốn sách cho đối tác bên Thái Lan, tuy nhiên, vì khâu thủ tục vẫn còn chưa hoàn thiện nên xin phép được giữ bí mật.

- Trân trọng cảm ơn hai bà về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sách Việt ''vươn ra biển lớn'': Chủ động giới thiệu sách Việt đến đối tác nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.