Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Công Thương Hà Nội: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Thanh Hiền| 04/07/2019 07:50

(HNM) - Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Công Thương Hà Nội đặt ra từ nay đến hết năm 2019 và định hướng đến năm 2021 nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội về vấn đề này.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong sản xuất để tạo ra các sản phẩm chất lượng.  Ảnh: Hữu Tiệp

- Ông có thể cho biết tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 của thành phố?

- 6 tháng đầu năm 2019, các ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành Công nghiệp, do các doanh nghiệp đã chủ động mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong các lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng được thị trường tiêu thụ ổn định.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thu hút đầu tư vào ngành Công nghiệp; hầu hết các cụm công nghiệp đã được lấp đầy... Nhờ đó, giá trị tăng thêm của ngành Công nghiệp 6 tháng qua đã đạt mức tăng trưởng 7,71%. Tuy mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng so với cùng kỳ năm 2018 (7,97%), nhưng sản xuất công nghiệp đã có sự phục hồi mạnh trong quý II (quý I tăng 6,94%, quý II tăng 8,41%).

- Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018?

- Sự chững lại này xuất phát từ việc một số nhà máy thực hiện di dời khỏi thành phố, hoặc cắt giảm sản lượng như: Công ty TNHH General Motors Việt Nam chuyển toàn bộ dây chuyền lắp ráp xe ô tô cho Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast tại Hải Phòng; Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà và Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Châu chuyển dần nhà máy về Hưng Yên…

Mặc dù Sở Công Thương đã rất tích cực phối hợp với các ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã trong việc tháo gỡ khó khăn khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn để thu hút doanh nghiệp vào sản xuất - kinh doanh, nhưng tiến độ triển khai chưa được như mong muốn. Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, hoặc đầu tư xây dựng mới…

- Trước thực tế đó, từ nay đến cuối năm, ngành Công Thương Hà Nội sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?

- Với những khó khăn của doanh nghiệp, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm của ngành Công Thương Hà Nội là tăng cường tham mưu với UBND thành phố về việc phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn; chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính với trọng tâm là đề xuất bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với nhu cầu phát triển, tạo thuận lợi hơn nữa trong sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại.

Sở Công Thương cũng tiếp tục phối hợp, đôn đốc các huyện trong việc hoàn thiện thủ tục thành lập các cụm công nghiệp theo quy hoạch; tạo mọi điều kiện về thủ tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các cụm công nghiệp đã được thành phố phê duyệt để sớm đưa doanh nghiệp vào hoạt động. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành Công nghiệp; phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường; phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao, hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn.

Tập trung triển khai có hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; đề án “Đẩy mạnh xuất khẩu của thành phố Hà Nội thời kỳ hội nhập đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”… Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn; hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ phát triển hệ thống phân phối hiện đại...

Tăng cường tập huấn, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt cơ hội, vượt qua những thách thức để hội nhập đạt hiệu quả.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Công Thương Hà Nội: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.