Theo dõi Báo Hànộimới trên

Castiglione di Sicilia và mong mỏi ''tái sinh''

Lê Thủy| 21/05/2021 05:57

(HNMCT) - Castiglione di Sicilia, một trong những ngôi làng đẹp nhất ở Italia. Những di sản lịch sử, kiến trúc và thiên nhiên phong phú đã biến nơi đây thành trung tâm của một loạt các hành trình du lịch quan trọng nhất ở Sicily. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài đang khiến nơi đây đứng trước những thách thức không nhỏ.

Castiglione di Sicilia nhìn từ trên cao.

Ngôi làng cổ tuyệt đẹp

Nằm trên vách đá ở sườn phía bắc của núi Etna, ngôi làng nhỏ Castiglione di Sicilia nhìn ra thung lũng Alcantara ngoạn mục, nơi có các vực sâu với những vách đá trắng bạc nổi bật trên những tán cây xanh thẫm cùng những thác nước trong vắt. Etna nổi tiếng là ngọn núi lửa đang hoạt động lớn nhất châu Âu, hấp dẫn bởi những hang động dung nham nằm rải rác, rừng thông và những dòng dung nham cũ. Tất cả tạo nên cảnh sắc hùng vĩ và đặc biệt của khu vực này. Rất nhiều du khách đã tìm đến đây để được trải nghiệm các hoạt động như đi bộ, đi bè, vượt thác, đi xe đạp, cưỡi ngựa và thơ thẩn trên những con đường mòn, qua những ngọn đồi màu dung nham tối. Rừng cây, vườn ô liu, vườn cam, đồn điền trồng cây phỉ và khu sản xuất rượu vang nằm rải rác quanh làng, tạo nên một không khí nông thôn dễ chịu.

Castiglione được mệnh danh là “thành phố của rượu vang” - một tác phẩm điêu khắc khổng lồ hình chiếc thùng và ly rượu nằm ngay lối vào làng. Nhờ sự hiện diện của nhiều nhà máy rượu vang, trang trại, nhà hàng, quán rượu, nơi đây cũng là điểm đến đắc địa trong các tour ẩm thực và rượu vang. Trong khu vực hiện có hơn 50 nhà máy rượu sản xuất và tiếp thị rượu vang trên thị trường quốc tế.

Giống như nhiều ngôi làng cổ ở Italia, Castiglione di Sicilia gồm nhiều ngôi nhà “xếp lớp” trên sườn đồi, gắn với nhau bằng những con đường nhỏ lát đá nham thạch. Ngoài phong cảnh hữu tình, nơi đây còn đặc biệt hấp dẫn bởi những di sản văn hóa còn sót lại từ thời Trung cổ, gợi nhớ một nước Ý xa xưa đã quen thuộc trong văn học và nghệ thuật. Những con đường xuyên rừng quanh co sẽ dẫn bạn đi qua những pháo đài Hy Lạp đổ nát và nhà nguyện Byzantine với những đường hầm bí mật.

Theo nhiều tài liệu, Castiglione di Sicilia được thành lập trên đống tro tàn của các khu định cư thời tiền sử vào năm 403 trước Công nguyên bởi những người tị nạn từ khu định cư ven biển Naxos, gần Taormina hiện đại. Tên của nó bắt nguồn từ "Lâu đài Sư tử", huy hiệu của Castiglione vẫn có hình hai con sư tử đứng canh.

Trong nhiều thế kỷ, nó là một thái ấp sôi động và hùng mạnh, là một trong những tiền đồn chiến lược và thịnh vượng nhất của Sicily. Đường và tường được làm bằng đá cuội nham thạch sẫm màu, trong khi các dinh thự quý tộc nằm liền kề với những ngôi nhà khiêm tốn. Nằm dọc theo sườn đồi, thị trấn được chia thành nhiều quận ở các độ cao khác nhau. Trung tâm cũ là một mê cung với những con hẻm rải sỏi có mái vòm và những tòa nhà có những cánh cổng được trang trí với các đầu thú.

Những ngôi nhà cũ nát ở Castiglione di Sicilia.

Mong muốn được khôi phục

Dù sở hữu vẻ đẹp độc đáo song Castiglione di Sicilia mới đây đã khiến thế giới “sốc” khi chào bán những ngôi nhà cổ ở đây với giá 1euro, chỉ tương đương 1 ly cà phê. Sở dĩ có chuyện này bởi ở thị trấn này có khoảng 900 ngôi nhà bị bỏ hoang. Khoảng một nửa đã bị hủy hoại và sẽ được cho đi với giá tượng trưng là 1 euro (~1,2USD). Số còn lại trong tình trạng tốt hơn và sẽ được bán với giá rẻ, bắt đầu từ 4.000 - 5.000 euro.

Nguyên nhân là nhiều cư dân cũ của thị trấn đã di cư đến Australia và Nam Mỹ để tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn. Con cháu của họ không bao giờ trở lại khiến rất nhiều ngôi nhà trở nên đổ nát, bậc cửa ra vào phủ đầy rêu và những cành lê gai. Dịch Covid-19 kéo dài, du lịch đình trệ càng khiến quang cảnh trở nên thê lương hơn bởi hầu hết những ngôi nhà cổ đều nằm ở những khu vực lâu đời nhất của thị trấn. Chẳng hạn Giudecca, khu Do Thái tập trung rất nhiều những ngôi nhà đá bỏ hoang với những bức tường dày, đổ nát. Hầu hết các tòa nhà trống trong khu vực này đều có vẻ ngoài độc đáo, có hình dạng giống như những tháp pháo nhỏ, với nhiều lối vào khác nhau từ các đường phố khác nhau.

Chính vì vậy, Thị trưởng Antonino Camarda đã thực hiện một dự án đầy tham vọng để thổi luồng sinh khí mới vào ngôi làng của mình, nơi dân số đã giảm từ 14.000 người vào đầu những năm 1900 xuống chỉ còn 3.000 người ngày nay. Ông nói với hãng tin CNN: "Chúng tôi có một di sản kiến trúc khổng lồ cần giải cứu, chứa đầy lịch sử. Theo thời gian, quá nhiều người đã ra đi, để lại những ngôi nhà cổ kính đẹp như tranh vẽ, nhiều ngôi nhà thậm chí có từ thời Phục hưng".

Hy vọng với “giá sốc” như vậy, những ngôi nhà cổ ở Castiglione di Sicilia sẽ sớm được các nhà đầu tư chú ý và ngôi làng sớm được hồi sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Castiglione di Sicilia và mong mỏi ''tái sinh''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.