Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vanuatu xa xôi mà gần gũi

Lê Thủy| 24/07/2021 06:40

(HNMCT) - Là quần đảo nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương, Vanuatu xa xôi lại có nhiều “duyên nợ” với người Việt. Cách đây hơn một thế kỷ, những người Việt đầu tiên đã đặt chân đến vùng đất “Tân Đảo” này theo chính sách mộ phu đi khai phá và canh tác đồn điền của thực dân Pháp. Ngày nay, Vanuatu là địa điểm nghỉ dưỡng và khám phá văn hóa bản xứ độc đáo của thế giới.

Người dân trong một số làng ở Vanuatu vẫn duy trì lối sống bộ tộc như tổ tiên của họ.

Nền văn hóa bản địa đặc sắc

Nhắc đến Vanuatu, người ta luôn nghĩ tới một vùng đất hoang sơ dường như bị bỏ quên. Trên những hòn đảo xa xôi nằm rải rác khắp quần đảo, bạn sẽ tìm thấy những ngọn núi lửa sủi bọt, những bãi biển trắng như đường, rạn san hô, thác nước từ xa và đồng bằng tro núi lửa quét qua... Theo chứng tích khảo cổ thì con người có mặt trên đảo Vanuatu từ khoảng 1.300 năm trước Công nguyên nhưng thế giới hiện đại biết đến hòn đảo này từ năm 1606, khi các nhà thám hiểm người Tây Ban Nha khám phá ra nó. Đến thế kỷ XVIII, người châu Âu đã đến định cư tại vùng đảo và đặt tên cho nơi này là "New Hebrides" (người Việt Nam quen gọi là Tân Đảo). Tuy nhiên, cho đến nay, quốc đảo này vẫn nổi tiếng với những ngôi làng của các bộ tộc hoang sơ, che thân bằng cỏ lá, sống hòa hợp với thiên nhiên bằng một nền kinh tế nông nghiệp tự cung, tự cấp...

Linh hồn văn hóa của Vanuatu được gọi là “kastom”, nó bao gồm tất cả mọi thứ từ kinh tế, nghệ thuật đến tâm linh với một màu sắc rất riêng. Nếu bạn muốn biết “kastom” thực sự như thế nào, hãy đi đến những ngôi làng dường như còn “đóng cửa với thế giới” ở Vanuatu. Đây là những khu định cư có thật, không có công nghệ hiện đại hay bất kỳ mánh lới quảng cáo du lịch nào - cơ hội để khám phá quá khứ thiêng liêng của Vanuatu.

Yakel trên đảo Tanna là một trong những làng “kastom” nổi tiếng nhất, từng là bối cảnh cho bộ phim "Tanna" đã được đề cử giải Oscar. Nơi đây, những người thổ dân vẫn ăn mặc như cha ông họ cách đây hàng trăm năm, vẫn duy trì các tục lệ như hôn nhân sắp đặt, tin vào phép thuật của pháp sư... Những du khách ở tại các khu nghỉ mát lớn xung quanh thủ đô Port Vila có thể đến làng văn hóa Ekasup. Hướng dẫn viên địa phương sẽ dẫn bạn đi qua khu nhà, dạy bạn về cách canh tác truyền thống của Vanuatu, y học, “kastom” và thậm chí cả một số phong tục mạo hiểm khác vẫn tồn tại đến ngày nay.

Chẳng hạn lễ hội Naghol ở đảo Pentecost đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness với tục lệ “thử thách bản lĩnh đàn ông” bằng cách nhảy cắm đầu xuống đất từ một tháp gỗ cao gần 30m trên ngọn đồi dốc... Tuy nhiên, nếu bạn thích những chuyến nghỉ dưỡng sang trọng thì Vanuatu cũng sẵn sàng đáp ứng hoàn hảo. Dễ dàng bắt gặp ở đây những bãi biển trong xanh, những du thuyền sang trọng, các resort cao cấp cùng nhiều môn thể thao và dịch vụ đẳng cấp...

Một phiên chợ địa phương.

Dấu ấn Việt Nam

Vanuatu có một cộng đồng dân cư phong phú với khoảng 100 ngôn ngữ địa phương và tiếng Melanesia được sử dụng phổ biến. Dân số bản địa, được gọi là Ni-Vanuatu, chủ yếu là người Melanesia, mặc dù một số hòn đảo xa xôi có người Polynesia cư ngụ. Ngoài ra còn có một số ít người châu Âu, người Micronesian, người Trung Quốc và người Việt Nam. Khoảng 3/4 dân số sống ở các vùng nông thôn, nhưng kể từ khi độc lập, các trung tâm đô thị lớn như Luganville và Port-Vila đã thu hút một số lượng lớn người dân do sự phát triển kinh tế nhanh chóng.

Cộng đồng người Việt ở Vanuatu được hình thành từ đầu thế kỷ XX, phần lớn là những người phu được thực dân Pháp tuyển mộ sang đây để khai hoang, làm việc trong các đồn điền. Theo nhiều tài liệu, những người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến đây là các phạm nhân và tù chính trị vào khoảng năm 1911. Năm 1923, 145 người lao động Bắc Kỳ đầu tiên chính thức đến Tân Đảo theo diện mộ phu. Họ được người Pháp hứa hẹn mức lương cao, làm việc ở các đồn điền trong khoảng thời gian 5 năm rồi sẽ được trở về. Nhưng vì nhiều lý do, nhiều người đã không thể trở về. Họ ở lại và hình thành cộng đồng người Việt phát triển bền vững đến hôm nay.

Chính vì vậy, khi đến thăm Vanuatu, bên cạnh vẻ đẹp như chốn thiên đường của quần đảo giữa Thái Bình Dương xanh biếc, trầm trồ trước nền văn hóa bản địa đặc sắc gần như không bị ảnh hưởng bởi thế giới văn minh, du khách còn được tận hưởng cảm giác thân thuộc khi bắt gặp nhiều nét văn hóa Việt tại đây. Cùng với đó là những phiên chợ địa phương với cách bài trí và nhiều sản vật khá quen thuộc như khoai lang, bắp cải...

Cộng hòa Vanuatu thường xuyên được bình chọn trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới theo các tiêu chí sống lâu, hạnh phúc và mức độ tác động đến môi trường. Bởi vậy, đây thực sự là điểm đến lý tưởng để nghỉ ngơi và nhìn nhận lại giá trị của cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vanuatu xa xôi mà gần gũi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.