Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xu hướng du lịch Tết 2023: Trông chờ màn ''khởi động'' ấn tượng

Bài và ảnh: Linh Tâm| 15/01/2023 06:09

(HNNN) - Đi du lịch vào dịp Tết Nguyên đán đã trở thành xu hướng thịnh hành với nhiều người Việt những năm gần đây. Đặc biệt, từ sau dịch Covid-19, nhu cầu này càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Không chỉ bó hẹp ở việc đi trong nước, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để đưa gia đình đi du lịch tại nước ngoài, trong đó, nổi lên xu hướng về các tour thiết kế và nhu cầu trải nghiệm các điểm mới lạ, hấp dẫn. Đây là tín hiệu vui cho ngành Du lịch nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, hứa hẹn về màn “khởi động” ấn tượng để tạo đà “bứt tốc” cho cả một năm.

Du khách đạp xe thăm cồn Chim (xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh).

Du lịch nội địa vẫn là ưu tiên hàng đầu

Nhiều năm nay, gia đình chị Nguyễn Minh Tuyết (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) thường xuyên đi du lịch vào dịp Tết Nguyên đán bởi đây là kỳ nghỉ dài ngày có sự hội ngộ của đầy đủ các thành viên trong gia đình. Khoảng 4 - 5 năm nay, gia đình chị cùng bạn bè thường khởi hành vào mồng 2 Tết, sau khi đã thực hiện xong nghi lễ đón giao thừa, chúc Tết bố mẹ và họ hàng nội ngoại.

Chia sẻ về thói quen này, chị Tuyết nói: “Khoảng 2 tháng trước Tết, chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch cụ thể về điểm đến và đặt trước nơi lưu trú cùng các dịch vụ đi kèm. Vì muốn lũ trẻ được biết về vẻ đẹp của đất nước cũng như bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Hòa Bình, Lạng Sơn... nên chúng tôi thường chọn dịp Tết để cả gia đình được hòa mình vào sắc màu văn hóa bản địa của những vùng đất này. Những trải nghiệm như xem đồng bào dân tộc Mông, Dao, Thái, Lô Lô... mặc những bộ trang phục rực rỡ tham gia các lễ hội, dựng cây nêu, chơi ném còn; đánh pa pao, tu lu, khẩu sli hay thưởng thức ẩm thực ngày Tết cùng người dân bản địa đã mang lại cho chúng tôi ấn tượng khó quên”.

Khu vực phía Nam cũng được nhiều du khách miền Bắc lựa chọn bởi thời tiết ấm áp cùng không khí đón Tết náo nhiệt. Đến các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long vào dịp Tết Nguyên đán, du khách sẽ được hòa mình vào không khí đón Tết rộn ràng với sắc hoa mai vàng, cúc mâm xôi, cúc đồng tiền, hướng dương, hoa giấy... tại các làng hoa, cây kiểng nổi tiếng như làng hoa Tân Quy Đông (Sa Đéc, Đồng Tháp); làng hoa, cây kiểng Chợ Lách (Bến Tre), làng hoa mai Phước Định (Vĩnh Long), làng hoa Vị Thanh (Hậu Giang)...

Người miền Nam nổi tiếng yêu hoa, vì thế, vào dịp Tết, đường phố luôn tràn ngập sắc hoa rực rỡ. Ngoài ra, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống dân dã và sự hiếu khách của người dân nơi đây. Họ chẳng ngại ngần mà mời du khách cùng ăn cỗ Tết với những món không thể thiếu như bánh tét, giò thủ, củ kiệu, canh khổ qua, thịt kho tàu hay các loại mứt sầu riêng, mứt mãng cầu, mứt dừa cùng các loại bánh đặc trưng. Sự hồn hậu, thân thiện và hiếu khách ấy khiến du khách cảm nhận như được đón Tết cùng người thân.

Thăm đảo Bali (Indonesia) bằng xe cổ là một trong những trải nghiệm mới nhất mà du khách được tận hưởng.

Thị trường outbound “ấm” trở lại

Một xu thế phổ biến khác gần đây là đi du lịch nước ngoài vào dịp Tết. Du khách Việt Nam thường lựa chọn là các nước gần tại khu vực châu Á có đường bay thẳng hay các nước châu Âu có phong cảnh đẹp. Có thể kể tới một số quốc gia nằm trong “top” lựa chọn hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Bỉ, Hà Lan... Tuy nhiên, kể từ sau dịch Covid-19, du khách cũng có sự thay đổi trong xu hướng đi du lịch.

Nhìn nhận về những thay đổi này, bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Giám đốc Công ty Mlitravel chia sẻ: “Tết năm nay, do dịch bệnh kéo dài nên tình hình tài chính bị ảnh hưởng khá nhiều. Vì vậy, lượng khách đi du lịch nước ngoài không đông bằng thời điểm trước dịch (năm 2019). Nếu như trước đó, các tour quốc tế thường kín trước Tết Nguyên đán 2 - 3 tháng thì năm nay phải đến cận Tết, nhiều du khách mới bắt đầu đặt chỗ. Tuy nhiên, sau dịch, thời gian xét duyệt visa của các đại sứ quán đều dài hơn khiến nhiều du khách không được cấp visa đúng thời điểm Tết, dẫn đến lượng khách sụt giảm đôi chút so với năm 2019. Để tiết kiệm, xu hướng của du khách hiện nay là đi các thị trường gần và thời gian ngắn hơn trước. Tuy nhiên, việc du khách đi du lịch nước ngoài trở lại cũng là tín hiệu đáng mừng cho nhiều công ty lữ hành, góp phần làm “ấm” lại thị trường sau thời gian “ngủ đông” vì dịch bệnh”.

Cũng theo bà Linh, hiện nay, thay vì những tour du lịch truyền thống, đi càng nhiều điểm càng tốt thì sau dịch, du khách thích đi những tour “nhàn”, ít điểm hơn. “Du khách hiện nay rất quan tâm đến chất lượng tour. Nhiều người nhờ các công ty lữ hành thiết kế tour riêng với những trải nghiệm khác biệt, phù hợp với sở thích, thói quen của từng gia đình để họ vừa được trải nghiệm, vừa giữ gìn sức khỏe và quan trọng nhất là chất lượng chuyến đi. Hành trình thiết kế thường chỉ vừa đủ, mỗi ngày đi khoảng 2 - 3 điểm. Sẽ có tình trạng không đi được hết các điểm trong một chuyến nhưng đó cũng là lý do để khách có thể quay lại một đất nước 2 - 3 lần. Đi ít điểm cũng đồng nghĩa với việc có nhiều thời gian thăm thú, tìm hiểu sâu hơn về văn hóa địa phương... Vì thế, dịp Tết năm nay, lượng khách đặt các tour thiết kế tại công ty tôi cũng tăng hơn trước khá nhiều” - bà Linh cho biết.

Về phía các đơn vị lữ hành, một trong những xu hướng phổ biến hiện nay là việc các công ty liên kết với nhau thành những liên minh bán chung sản phẩm với cùng một mức giá. Điều này tạo nên lợi thế rất lớn cho cả phía doanh nghiệp lẫn du khách khi tránh được tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá tour giữa các đơn vị, còn du khách được hưởng lợi trong vấn đề minh bạch thị trường và bảo đảm về chất lượng dịch vụ. Do đó, du khách sẽ không phải mất thời gian tham khảo nhiều đơn vị và hoàn toàn yên tâm về chất lượng tour.

Một trong những liên minh như vậy phải kể tới liên minh VivuBali do 5 đơn vị Golden Tour, Hanoitourist, ANZ Travel, Captour và FantaSea Travel “bắt tay” nhau xây dựng sản phẩm trải nghiệm tại đảo Bali (Indonesia). Nơi đây được mệnh danh là “thiên đường sống ảo” hay “hòn đảo thiên đường” bởi những điểm check-in vô cùng độc đáo, thiên nhiên hoang sơ và bản sắc văn hóa đậm đặc được người dân trên đảo bảo tồn, gìn giữ và phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, bền vững.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Golden Tour, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội: Bali hiện là một trong những điểm đến “hot” đối với du khách Việt, đặc biệt từ sau dịch Covid-19 và thời điểm trước Tết Nguyên đán. Gần đây, lượng khách Việt đến với Bali tăng rất mạnh do chính sách thuận lợi về đường bay thẳng, giá cả dịch vụ, chất lượng điểm đến và việc thường xuyên thay đổi hành trình trải nghiệm khiến nhiều du khách Việt liên tục quay lại với hòn đảo này.

Cũng theo ông Dũng, để thu hút khách đến Bali, liên minh VivuBali liên tục cập nhật các tuyến điểm, dịch vụ, trải nghiệm mới sau mỗi 6 tháng để vừa tránh tình trạng bị sao chép sản phẩm, vừa khai thác được hết vẻ đẹp của hòn đảo này nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng ngày càng cao của du khách. Có một thực tế là, từ sau dịch Covid-19 cho tới thời điểm này đã có sự chuyển dịch khá rõ từ thị trường các nước vốn rất thu hút khách trước đây như Thái Lan, Malaysia, Singapore... sang Bali (Indonesia).

Như vậy, có thể thấy rõ xu hướng đi du lịch của du khách và cách nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm của các đơn vị lữ hành đã có nhiều thay đổi sau dịch Covid-19. Tết Nguyên đán chính là thời điểm bắt đầu cho một mùa du lịch mới, để các sản phẩm mới được ra mắt và cập nhật đến khách du lịch. Vì thế, các doanh nghiệp cần tận dụng “cơ hội vàng” này để làm mới mình cùng hệ thống sản phẩm, qua đó “bứt tốc” để nhanh chóng hồi phục sau đại dịch, qua đó lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng du lịch Tết 2023: Trông chờ màn ''khởi động'' ấn tượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.