Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Về đây nghe em'' lay động trái tim người Việt xa xứ

Hà Phong| 10/04/2022 06:05

(HNMCT) - Cho đến tận bây giờ, không ít người yêu nhạc Việt vẫn cho rằng ca khúc “Về đây nghe em” được sáng tác tại hải ngoại sau năm 1975 bởi câu hát mở đầu tựa như lời nhắn nhủ, gọi mời những người con tha hương: “Về đây nghe em, về đây nghe em/ Về đây, mặc áo the, đi guốc mộc/ Kể chuyện tình bằng lời ca dao/ Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai/ Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới/ Và về đây nghe lại tiếng nôi thơ ấu, khúc hát ban đầu...”.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc.

Thật ra, “Về đây nghe em” được nhạc sĩ Trần Quang Lộc (1949 - 2020) sáng tác khoảng năm 1969 - 1970 tại Sài Gòn. Nhạc sĩ từng bộc bạch: Thời điểm đó, buổi tối Sài Gòn giới nghiêm, ban đêm chỉ còn lại lính Mỹ trong quán bar, vũ trường cùng những vũ nữ, những sinh viên mặc váy ngắn ra vào...

Chứng kiến cảnh đó, Trần Quang Lộc day dứt. Cùng với chiến tranh, văn hóa ngoại lai du nhập khiến giá trị văn hóa truyền thống bị lu mờ. Đúng lúc đó, ông tình cờ đọc được bài thơ “Về đây nghe em” trong tập thơ “Vàng bay” của A Khuê (tên thật là Hoàng Văn Phúc, em trai nhạc sĩ Hoàng Lương). Từ bài thơ này, ông đã viết ca khúc “Về đây nghe em” như một lẽ tự nhiên của người con thiết tha yêu quê hương, yêu văn hóa dân tộc mình.

Ẩn sau lời tâm sự về tình yêu, “Về đây nghe em” gửi gắm thông điệp ý nghĩa: Hãy trở về với cội nguồn, trở về và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, để được thỏa ước mơ ca hát trên đất nước tự do với những “Nụ cười tươi trên môi em thơ/ Là tiếng hát hân hoan cho đời/ Và về đây cho nhau nụ cười tương lai...”.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1949 tại Gio Linh, Quảng Trị. Từ năm 20 tuổi, ông học tại Trường Quốc gia Âm nhạc Huế, rồi vào học Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn và bắt đầu sáng tác vào cuối thập niên 1960. Tuyển tập nhạc đầu tiên của ông được phát hành vào năm 1970 tại Sài Gòn mang tên “Hát trong dòng sông xưa”.

Cùng với “Về đây nghe em”, ông được yêu mến qua những ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” (phổ thơ Tô Như Châu), “Em còn nhớ Huế không”, “Chợt nghe em hát”... Hầu hết tác phẩm của ông đều mang âm hưởng dân gian, quê hương. Ông sáng tác và dạy nhạc tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho đến khi qua đời vì trọng bệnh (tháng 6-2020).

Hơn 50 năm qua, không ít ca sĩ người Việt xa xứ vừa trình diễn “Về đây nghe em” vừa không ngăn được những dòng nước mắt nóng hổi tuôn trào vì nỗi nhớ quê hương, cội nguồn tha thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Về đây nghe em'' lay động trái tim người Việt xa xứ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.