Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982

Tuấn Minh| 13/06/2011 06:33

(HNM) - Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) là công cụ pháp lý quan trọng để Việt Nam bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông. Đáp ứng nhu cầu thông tin của đông đảo bạn đọc về UNCLOS, Báo Hànộimới xin giới thiệu Công ước này mà Việt Nam đã ký kết.

Được ký kết ngày 10-12-1982, nên còn gọi UNCLOS 1982 và có hiệu lực từ ngày 16-11-1994. Đến nay đã có 157 quốc gia và Cộng đồng châu Âu (EC) tham gia UNCLOS.

UNCLOS gồm 17 phần với 320 điều khoản, 9 phụ lục với hơn 100 điều khoản và 4 nghị quyết kèm theo. Đây là một bộ các quy định về sử dụng biển và đại dương trên thế giới (chiếm 70% diện tích bề mặt trái đất). Sau Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), UNCLOS là văn kiện pháp lý đa phương quan trọng nhất trong lịch sử của LHQ, với việc đã thiết lập được một cách cụ thể và rõ ràng khái niệm, quy chế cũng như phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia của các nước.

UNCLOS quy định: "Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng này, quốc gia ven biển có quyền thuộc chủ quyền về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế… Trong vùng đặc quyền kinh tế, nước ngoài có quyền tự do hàng hải và đường không, tuân theo sự kiểm soát của quốc gia ven biển. Nước ngoài cũng có thể đặt các đường ống ngầm và cáp ngầm… nhưng phải thông báo và thỏa thuận với quốc gia ven biển".

UNCLOS nêu rõ: "Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển, trên phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia này cho đến bờ ngoài của rìa lục địa hoặc đến cách đường cơ sở 200 hải lý nếu như rìa ngoài của bờ lục địa ở khoảng cách gần hơn. Trong trường hợp bờ ngoài của rìa lục địa kéo dài tự nhiên vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì quốc gia ven biển có thể xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa theo sự kéo dài tự nhiên đó nhưng cũng không được vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc cách đường đẳng sâu 2.500m một khoảng cách không quá 100 hải lý. Tại đây, quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình; quyền này là đặc quyền và đương nhiên tồn tại không phụ thuộc vào việc có chiếm hữu hay tuyên bố hay không …".

Việt Nam là một trong 130 nước bỏ phiếu thông qua và sau đó cùng 118 nước khác ký UNCLOS năm 1982 tại Vịnh Montego (Jamaica). Ngày 23-6-1994, Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn và trở thành thành viên thứ 63 của UNCLOS. Nằm ven Biển Đông và là một trong những quốc gia có bờ biển dài trong khu vực (khoảng 3.260km), theo các quy định của UNCLOS, Việt Nam được mở rộng chủ quyền, các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán của mình ra các vùng biển và thềm lục địa rộng khoảng 1 triệu kilômét vuông. Là thành viên UNCLOS, Việt Nam có nghĩa vụ phải giải quyết các tranh chấp theo các quy định của UNCLOS. Cụ thể, Việt Nam có quyền xác định các vùng biển và thềm lục địa theo UNCLOS nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ tiến hành phân định các vùng biển và thềm lục địa ở những khu vực chồng lấn với các nước láng giềng.

Để thực hiện quyền này của UNCLOS, Việt Nam xây dựng Báo cáo quốc gia trình Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa của LHQ để bảo đảm quyền lợi của quốc gia, bảo vệ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa vượt quá 200 hải lý; đồng thời có cơ sở khoa học để đưa ra các quy định về ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Đầu tháng 5-2009, Việt Nam nộp báo cáo chung với Malaysia về khu vực thềm lục địa mở rộng ở phía Nam và báo cáo riêng của Việt Nam về khu vực thềm lục địa ở khu vực phía Bắc. Quan điểm pháp lý cơ bản trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS…

Thời gian qua, đặc biệt sau khi UNCLOS có hiệu lực, Việt Nam đã giải quyết được một loạt vấn đề về phân định biển với các quốc gia láng giềng. Việt Nam đã phân định ranh giới biển với Thái Lan năm 1997; phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000; phân định ranh giới thềm lục địa với Indonesia năm 2003. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thỏa thuận tiến hành hợp tác khai thác chung thềm lục địa chồng lấn với Malaysia năm 1992; vùng nước lịch sử với Campuchia năm 1982.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.