Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Chung tay đẩy lùi rác thải nhựa, túi ni lông

Gia Bảo| 08/07/2019 14:56

(HNM) - Việc sử dụng phổ biến túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hằng ngày đã, đang là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trước thực trạng đó, thời gian qua, chính quyền và các cơ quan, đoàn thể thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp, cách làm hiệu quả nhằm chung tay hạn chế, từng bước đẩy lùi nguồn rác thải nguy hại này.

Phát sinh mỗi ngày 1.800 tấn rác thải nhựa, túi ni lông

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trên đường Nguyễn Duy Trinh (đi qua quận 2 và quận 9), cứ vào khoảng 16h đến hơn 18h hằng ngày, phần lớn các hộ dân đều đựng rác thải sinh hoạt của gia đình trong những túi ni lông lớn để mang ra xe thu gom rác.

Chị Lê Thị Nụ (ở đường 42, phường Bình Trưng Tây, quận 2) cho biết, mặc dù chính quyền phường tuyên truyền đến tận khu phố và mỗi hộ gia đình về việc hạn chế sử dụng túi ni lông nhưng hầu hết hộ dân chưa thay đổi được thói quen này. Tương tự, tại các quán bán hàng ăn, uống trên đường Rạch Bùng Binh (phường 9, quận 3), phần lớn rác thải ở đây đều là đồ nhựa dùng một lần và túi ni lông.

Hệ thống siêu thị Saigon Co.op sử dụng túi giấy đựng hàng hóa cho khách hàng.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, trong tổng số 9.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày trên địa bàn thành phố, có tới 1.800 tấn rác thải nhựa và ni lông. Điều đáng nói là hiện tại các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh và các hộ gia đình vẫn sử dụng phổ biến ống hút nhựa, chai nhựa, túi ni lông, không chỉ gây ra tác hại cho môi trường mà ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân.

Bà Đỗ Thị Diễm Thúy, Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố) cho biết, những năm qua, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm do chất thải nhựa và túi ni lông. Kết quả, tại hệ thống siêu thị đã giảm gần 80% lượng túi ni lông khó phân hủy và hiện 100% siêu thị sử dụng túi ni lông tự hủy, thân thiện với môi trường.

Mặc dù vậy, lượng túi ni lông sử dụng tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại vẫn rất cao... Do đó, để hoạt động này được duy trì và tăng dần việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, thành phố rất cần những chia sẻ và đồng hành của mỗi người dân.

Nhân rộng cách làm hay, hiệu quả

Nhằm chung tay hạn chế rác thải nhựa, túi ni lông, thời gian qua, một số tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai những cách làm hay, hiệu quả. Về việc này, bà Lê Thị Tấn Lộc, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận 10 cho hay, Hội Liên hiệp phụ nữ quận 10 đã, đang chú trọng công tác tuyên truyền, vận động hội viên phân loại rác tại nguồn và thực hiện chương trình chống rác thải nhựa bằng cách tổ chức các hoạt động vào thứ bảy, chủ nhật. Hoạt động này ngày càng lan tỏa, nên ngoài hội viên phụ nữ tham gia, hiện có thêm sự đồng hành của người cao tuổi, nam giới, trẻ nhỏ...

Cùng với đó, Hội còn kết hợp với hội phụ nữ các quận, huyện trên địa bàn thành phố đưa ra nhiều cách làm hiệu quả như: Bố trí các thùng đựng rác hữu cơ, vô cơ tại mỗi gia đình; đổi chai nhựa lấy chai thủy tinh, túi giấy... 

Trong khi đó, nhiều năm qua, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã hạn chế tối đa việc sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần trong mọi hoạt động của đơn vị. Cụ thể, Saigon Co.op đã tổ chức phát động thu gom chất thải nhựa, chai nhựa đổi quà, sản phẩm cho khách hàng; khuyến khích khách hàng sử dụng túi vải, túi thân thiện với môi trường khi mua sắm tại siêu thị...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, để hạn chế rác thải nhựa hiệu quả hơn, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương tổ chức những hoạt động thiết thực, nhân rộng mô hình hiệu quả. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên của thành phố ký kết phối hợp đẩy mạnh phong trào “chống rác thải nhựa” trên địa bàn thành phố.

Các nhiệm vụ cụ thể được triển khai như: Tuyên truyền rộng rãi đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy; giảm thiểu tiêu dùng, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường phân loại để chất thải nhựa được tái sử dụng, tái chế; lưu ý sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường...

Đặc biệt, UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đưa chỉ tiêu về giảm sử dụng túi ni lông trên địa bàn vào chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn năm 2016-2020. Theo đó, thành phố sẽ triển khai các giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền, vận động khoảng 65% người dân thực hiện việc giảm thiểu sử dụng túi ni lông khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ truyền thống; thu gom 100% chất thải phát sinh trên địa bàn và có ít nhất 50% lượng chất thải nhựa trong đó được thu hồi và tái chế. Thành phố cũng kiên quyết xử phạt các đơn vị sản xuất túi ni lông khó phân hủy không thực hiện đúng quy định về thuế bảo vệ môi trường...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Chung tay đẩy lùi rác thải nhựa, túi ni lông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.