Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái thả động vật hoang dã: Cẩn trọng và trách nhiệm

Sơn Tùng| 13/07/2019 07:40

(HNM) - Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội luôn được xem là nơi "tạm trú" của các loại động vật hoang dã sau những lần chúng được cơ quan chức năng giải cứu từ hoạt động săn bắt, buôn bán trên địa bàn Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố… Hằng năm, trung tâm thả hàng trăm cá thể động vật vào rừng, góp phần giữ gìn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sống cho các loài động vật quý hiếm.

Cán bộ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên tại tỉnh Quảng Ninh.

Theo Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng, quy trình tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên phải trải qua nhiều công đoạn. Việc cứu hộ thành công đã khó, việc chăm sóc và tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên cũng phải tuân thủ những nguyên tắc bất di bất dịch.

Việc tái thả động vật hoang dã là việc đưa chúng trở lại nơi sinh sống tự nhiên sau khi được chăm sóc, chữa trị từ các trung tâm cứu hộ, vườn thú, trại nuôi hay động vật thu giữ từ hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Đó còn là hình thức luân chuyển động vật từ nơi này đến một nơi khác nhằm mục đích bảo tồn cá thể động vật, đưa cá thể động vật về nơi phân bố trước kia của chúng. Việc tái thả phải bảo đảm an toàn cho người, động vật được tái thả và các loài động, thực vật tại khu vực tái thả theo nguyên tắc: Chỉ tái thả khi động vật khỏe mạnh, lành lặn, không nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh.

Cứu hộ động vật hoang dã là công việc có tính đặc thù. Hiện trên toàn quốc chưa có cơ sở hay trường lớp nào đào tạo chuyên ngành này. Chính vì thế, ngay từ ngày đầu thành lập, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đã phối hợp với các phòng chức năng của Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội và tranh thủ ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, viện nghiên cứu (Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật, Viện Công nghệ sinh học, Viện Thú y quốc gia, các tổ chức quốc tế…) để soạn thảo nội dung quy chế, quy trình cứu hộ và xây dựng các đề tài chuyên đề về cứu hộ động vật hoang dã. Từ đầu năm tới nay, đơn vị đã tổ chức cho 5 nhân viên chăm sóc động vật hoang dã học tập nâng cao trình độ tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam.

Trung tâm hiện có 4.000 cá thể, mỗi loài có một đặc tính khác nhau do môi trường sống, điều kiện sống khác nhau, khi được thu gom về đây phân loại, đa số các cá thể đều yếu ớt, bị thương, trung tâm phải mất rất nhiều công sức và tâm huyết để chữa trị cho chúng lành bệnh. Rất may mắn, trung tâm đã nhận được sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, đội ngũ cán bộ, công nhân viên thường xuyên được tiếp cận với các phương pháp, kỹ thuật chăm sóc, chữa trị cho động vật hoang dã mới nhất, nhờ đó trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày một nâng cao, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn.

Tại đây, sau khi được chăm sóc, chữa trị vết thương, động vật sẽ được thả về môi trường tự nhiên tại nhiều vườn quốc gia trên địa bàn cả nước như: Vườn quốc gia Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh), Vườn quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An), Vườn quốc gia Cát Tiên (tỉnh Đồng Nai). Từ đầu năm tới nay, trung tâm đã tổ chức tái thả 3 đợt động vật hoang dã về môi trường tự nhiên sau cứu hộ với tổng số 103 cá thể và 1,2kg rắn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái thả động vật hoang dã: Cẩn trọng và trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.