Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp

Thanh Hải| 18/09/2021 06:24

(HNM) - Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, đất đai; việc giải phóng mặt bằng không đáp ứng yêu cầu, cộng với dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ khởi công xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cùng với việc chỉ đạo quyết liệt của thành phố, rất cần sự sâu sát hơn nữa của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của chủ đầu tư dự án để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp.

Dự án Cụm công nghiệp Thiết Bình trên địa bàn huyện Đông Anh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh Tô Anh Duy cho biết, tính đến trung tuần tháng 9 này, 4 dự án cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng vẫn còn vướng mắc. Cụ thể như, dự án cụm công nghiệp Vân Hà đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 410/421 hộ với diện tích gần 200 nghìn mét vuông; cụm công nghiệp Liên Hà 2 đã hoàn thiện hồ sơ, lập phương án bồi thường với 153/154 hộ, trong đó 151 hộ đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng với diện tích hơn 192 nghìn mét vuông. Về dự án cụm công nghiệp Thụy Lâm, đến nay Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã điều tra, kiểm đếm 279/281 hộ, hoàn thiện hồ sơ, lập phương án bồi thường, hỗ trợ xong 266/279 hộ…

"Khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là khâu xác minh nguồn gốc sử dụng đất. Tuy nhiên, việc này thuộc thẩm quyền cấp huyện nên sẽ sớm được giải quyết trong thời gian tới", ông Tô Anh Duy thông tin.

Còn theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai Bùi Thị Thúy Hường, trên địa bàn huyện hiện có 6 dự án cụm công nghiệp nhưng việc triển khai gặp khó khăn. Tại cụm công nghiệp Thanh Thùy giai đoạn 2, theo Quyết định số 547/QĐ-UBND ngày 26-1-2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2021 huyện Thanh Oai, diện tích cụm công nghiệp này là 6,5ha, nhưng theo quy hoạch chi tiết thu hồi đất thực hiện dự án thì lại là 7,534ha nên chưa thể phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Với cụm công nghiệp Phương Trung, quy mô diện tích theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được duyệt là 9,55ha lớn hơn so với quy mô diện tích theo quyết định thành lập cụm công nghiệp là 9,06ha nên cũng chưa thể triển khai…

Khó khăn của hai huyện Đông Anh và Thanh Oai cũng là tình trạng chung của nhiều dự án cụm công nghiệp đang triển khai tại thành phố Hà Nội. Trong năm 2021, Hà Nội phấn đấu khởi công xây dựng 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập trong giai đoạn 2018-2020 và phấn đấu xây dựng hạ tầng kỹ thuật ít nhất 20 cụm công nghiệp.

Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, với 21 cụm sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa đã có 18 cụm xác định mốc giới; với 21 cụm sử dụng trên 10ha đất trồng lúa thì có 11 cụm đã xác định được mốc giới. Song, do nhiều nguyên nhân, đến nay chưa cụm nào đủ điều kiện được cấp giấy phép xây dựng. Để tránh tái lấn chiếm, hiện mới chỉ có 4 cụm đã san lấp một phần mặt bằng.

Nỗ lực bảo đảm tiến độ

Để tháo gỡ khó khăn tại cụm công nghiệp Phương Trung (huyện Thanh Oai), Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai Bùi Thị Thúy Hường cho biết, sau khi được HĐND thành phố thông qua việc bổ sung quỹ đất, huyện sẽ bắt tay ngay vào triển khai để kịp tiến độ.

Còn theo Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thăng Long (chủ đầu tư xây dựng cụm công nghiệp Thanh Thùy giai đoạn 2) Dương Văn Bạo, chủ đầu tư đã đề xuất UBND huyện chi trả bồi thường với diện tích thu hồi đất là 6,5ha để sớm triển khai xây dựng. Với phần diện tích tăng thêm gần 1ha, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã trình thành phố xem xét giải quyết.

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có văn bản gửi UBND các huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Đan Phượng… đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục, điều kiện để khởi công xây dựng công trình. Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát tiến độ các công việc được giao; thường xuyên nắm bắt, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, đề xuất báo cáo thành phố xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể theo thẩm quyền. Với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố giao chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất đối với các dự án cụm công nghiệp.

Một tín hiện vui là đại đa số các huyện ngoại thành Hà Nội - nơi triển khai xây dựng cụm công nghiệp, đã là “vùng xanh” an toàn với dịch Covid-19, đây là điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh Tô Anh Duy thông tin, những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng ở 4 cụm công nghiệp đang được UBND huyện tập trung tháo gỡ. Với tình hình này, chắc chắn, việc khởi công xây dựng sẽ được thực hiện trong thời gian tới, kịp tiến độ trong năm 2021. Các cụm này sẽ được đầu tư, xây dựng theo hướng hiện đại để tạo sự phát triển bền vững cho kinh tế Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.