Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông

Tuấn Lương| 27/09/2021 07:10

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1-9-2021). Cùng với xác định các nhóm dự án quan trọng ưu tiên đầu tư tạo động lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, Quy hoạch đã đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm tính khả thi.

Các đơn vị thi công xây dựng đường bộ cao tốc tại tuyến Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Huy Hùng

Một trong ba khâu đột phá chiến lược

Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết cấu hạ tầng đường bộ đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững…

Đáng chú ý, quy hoạch xác định hình thành hệ thống đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các vùng kinh tế trọng điểm, cảng biển và cảng hàng không cửa ngõ quốc tế; từng bước nâng cấp các quốc lộ. Lộ trình đến năm 2030 hoàn thành xây dựng khoảng 5.000km đường bộ cao tốc và 172 tuyến quốc lộ, có tổng chiều dài 29.795km. Đến năm 2050 hình thành 41 tuyến với 9.014km cao tốc; quy hoạch đường ven biển vào hệ thống quốc lộ; điều chỉnh điểm đầu, cuối cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau; điều chỉnh về chiều dài và quy mô đối với cao tốc vành đai đô thị Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tùy theo nhu cầu phát triển đô thị, có thể đi trên cao một số đoạn.

Các dự án quan trọng quốc gia được ưu tiên đầu tư trong thời kỳ 2021-2030 bao gồm: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các tuyến cao tốc kết nối liên vùng khu vực phía Bắc, kết nối miền Trung với Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; các tuyến cao tốc vành đai và các tuyến kết nối với Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…

Theo quy hoạch, hệ thống đường bộ phải bảo đảm kết nối giữa đường bộ quốc gia với đường địa phương, giữa các vùng động lực và vùng khó khăn; kết nối hiệu quả với các đầu mối giao thông, hạ tầng của các phương thức khác (nhà ga đường sắt, cảng biển, cảng sông, sân bay).

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Xuân Cường cho biết, quy hoạch đường bộ lần này được tích hợp với 4 quy hoạch chuyên ngành giao thông - vận tải còn lại, từ đó xác định danh mục các dự án ưu tiên đối với hệ thống đường quốc gia, các dự án đường địa phương cần thiết phải ưu tiên đưa vào quy hoạch của tỉnh, thành phố để bảo đảm hiệu quả đầu tư, tính liên thông với mạng lưới giao thông của vùng và quốc gia.

Giải pháp mới để bảo đảm tính khả thi

Theo tính toán, nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới đường bộ đến năm 2030 dự kiến khoảng 900.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Để thực hiện quy hoạch, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sẽ rà soát, sửa đổi hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý, đề xuất thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động mọi nguồn lực và rút ngắn tiến độ đầu tư; đánh giá, nhân rộng các mô hình về thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã thành công.

Cùng với đó là xây dựng cơ chế tăng cường phân cấp trong công tác đầu tư, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng giao các địa phương là cơ quan có thẩm quyền, quyết định đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ. Sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí phù hợp với cơ chế thị trường để tăng tính thương mại của các dự án.

Đề cập đến việc huy động vốn, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, các dự án giao thông có thời gian thu hồi vốn kéo dài, ngân hàng hiện nay cân nhắc rất kỹ khi cho vay. Để thu hút đầu tư cần có chính sách thuế phù hợp, giúp nhà đầu tư có lợi nhuận và giảm bớt rủi ro khi thực hiện dự án. Nhà đầu tư có thể liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài để huy động vốn. Hiện có nhiều quỹ đầu tư nước ngoài sẵn sàng tham gia nhưng cần có cơ chế tạo thuận lợi cho họ về quyền lợi, mức độ an toàn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, các dự án đường bộ cao tốc sẽ chủ yếu triển khai đầu tư theo phương thức PPP, ngân sách nhà nước đóng vai trò là “vốn mồi”. Ngoài ra, việc huy động ngân sách địa phương tham gia đầu tư các tuyến cao tốc trên địa bàn cũng làm đa dạng thêm nguồn lực thay vì chỉ trông chờ vào Trung ương như trước đây.

"Sau khi đánh giá hiệu quả của mô hình triển khai đầu tư đường bộ cao tốc, như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tiền Giang… đã làm, việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp đầu tư cho các địa phương cũng là tư duy mới trong quản lý giai đoạn tới. Việc các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc sẽ bảo đảm tính khả thi của quy hoạch", Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.