Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương mại điện tử sẽ đạt quy mô khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025

Lam Giang| 12/05/2022 14:51

(HNMO) - Ngày 12-5, tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 với chủ đề “Thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch”.

Các chuyên gia tham gia thảo luận tại diễn đàn.

Báo cáo Toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn tại diễn đàn cho biết, trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 đang trên đà phát triển vượt bậc thì Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam bùng nổ trong giai đoạn 2020-2021 và được dự báo sẽ đạt quy mô khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025. Tính tới đầu năm 2021, Việt Nam có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, với 55% trong số đó ở các khu vực phi thành thị.

Các ngành hàng như làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng… được quan tâm, mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Đáng chú ý, phân khúc giá 200.000 - 5.000.000 đồng dễ "chốt đơn" nhất trên tất cả sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn thương mại điện tử như một kênh phân phối hữu hiệu và việc “lên sàn” kinh doanh đã trở thành giải pháp chiến lược của nhiều thương hiệu và nhà bán hàng.

Chia sẻ tại diễn đàn, bà Lê Minh Trang, đại diện Nielsen Việt Nam cho biết, 2 năm qua, cùng với sự tăng trưởng của thương mại điện tử, xu hướng mua sắm đa kênh có sự tăng trưởng vượt bậc, nhiều nhất trong nhóm người tiêu dùng phục hồi sau dịch.

Bà Lê Minh Trang đánh giá, các nhà bán hàng, sàn thương mại điện tử đã không ngừng đổi mới phương thức kinh doanh đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khiến ngày càng nhiều người tiêu dùng bớt phần lo lắng về chất lượng hàng hóa, độ tin cậy… Do đó, số người tham gia mua sắm trực tuyến ngày càng tăng nhanh.

Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại, Sàn thương mại điện tử Lazada Việt Nam chia sẻ, tại Việt Nam, có tới 85% người tiêu dùng Việt chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến kể từ khi dịch bùng phát. 81% người Việt Nam được hỏi cho biết họ xem việc mua sắm trực tuyến là một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, cũng như tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ít nhất một lần mỗi tuần đạt mức 59%. 

Chia sẻ tại diễn đàn, các chuyên gia khẳng định, nền tảng được đầu tư mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch đã tạo đà cho doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử. Đồng thời, lĩnh vực chuyển đổi số và kinh doanh online chiếm tỷ lệ quan trọng hơn trong quản trị và vận hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức, với những hạn chế trong khả năng kiểm soát rủi ro liên quan đến chất lượng hàng hóa, phương thức thanh toán, thiết lập các tuyến vận chuyển linh hoạt, xử lý thủ tục thông quan hàng hóa với chi phí vận hành tối ưu....

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử sẽ đạt quy mô khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.