Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, kinh doanh

Thanh Hải| 29/09/2022 06:54

(HNM) - Nhu cầu năng lượng cho sản xuất và đời sống ngày càng tăng cao, trong khi các nguồn tài nguyên than, dầu, khí đang dần cạn kiệt, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh là góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Sản xuất hàng may mặc tại Tổng công ty May 10 - CTCP.

Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10-CTCP Thân Đức Việt cho biết, trước đây, mỗi năm đơn vị tiêu thụ hơn 5 triệu kWh với số tiền điện phải trả lên đến hơn 12 tỷ đồng. Nhờ áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp về quản lý, đầu tư và kỹ thuật, hằng năm, May 10 tiết kiệm được số tiền tương đương hơn 1 tỷ đồng. Cụ thể, trong 3 năm qua, đơn vị thay toàn bộ hệ thống bóng đèn cũ, chuyển sang sử dụng bóng đèn led, lắp đặt nhiều cửa kính, cửa sổ lấy ánh sáng tự nhiên. Kết quả, chiếu sáng chỉ còn chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện tiêu thụ. Cùng với đó, nhiều đơn vị thành viên đã trở thành những mô hình điểm trong tiết kiệm năng lượng như: Xí nghiệp Veston Hà Nội tiết kiệm 66,67%; Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội tiết kiệm 58%; Xí nghiệp may Thái Hà tiết kiệm được 64,5%; Siêu thị M10 mart tiết kiệm 43%...

Tương tự như vậy, tại khách sạn JW Marriott Hà Nội, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cũng được đẩy mạnh, với kết quả tỷ lệ tiết kiệm năng lượng đạt 7,8%/năm. Để có được kết quả này, doanh nghiệp đã đẩy mạnh triển khai các biện pháp như: Cải tạo hệ thống tháp thải nhiệt từ hệ kín sang hệ hở giúp tiết kiệm 1.440.000kWh/ năm, tương đương 3 tỷ đồng/ năm; lắp bơm nhiệt tiết kiệm 150.000 lít dầu/năm, tương đương 2 tỷ đồng/năm; tái sử dụng nước thải tiết kiệm 34.000m3 nước/năm, tương đương 750 triệu đồng/năm; thay thế đèn led chiếu sáng giúp tiết kiệm 194.000kWh/năm, tương đương 400 triệu đồng…

Triển khai công tác tiết kiệm năng lượng ngay từ nhận thức, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp như các quận, huyện, thị xã và Công ty Điện lực đã truyền thông rộng rãi: Phát hành 12.000 sổ tay tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình; nhắn tin tuyên truyền đến 12.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng nhiều điện năng trong thời gian cao điểm… Đồng thời đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đánh giá được mức độ sử dụng các trang thiết bị, đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng; cải thiện hiệu suất tiêu hao năng lượng...

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ, tiết kiệm năng lượng còn nhiều dư địa và là một trụ cột quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng. Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ cần áp dụng những biện pháp hợp lý hóa quy trình sản xuất; thay thế, cải tạo, nâng cấp các thiết bị cũ, sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu suất cao… là đã có thể tiết kiệm từ 10% đến 20% năng lượng tại các nhà máy sản xuất…

Thống kê của Bộ Công Thương cho biết, cả nước có gần 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có mức tiêu thụ năng lượng từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi) tương đương 6 triệu kWh điện/năm trở lên. Tổng số điện năng tiêu thụ mỗi năm của các cơ sở này là hơn 70 tỷ kWh, chiếm hơn 32% tổng mức tiêu thụ điện toàn quốc. Nếu các cơ sở này chỉ cần tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì hằng năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,4 tỷ kWh điện (tương đương khoảng 2.700 tỷ đồng). Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm nhấn mạnh, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Để đẩy mạnh công tác này, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã quy định rất cụ thể 9 nhóm giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó 6 nhóm giải pháp chính gồm: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường năng lực; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; xây dựng cơ chế tài chính và tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.