Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Dệt may nỗ lực về đích

Phương Nhi| 01/12/2022 07:36

(HNM) - Dù đối diện nhiều khó khăn, thách thức khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, lượng tồn kho lớn; chi phí sản xuất, nguyên nhiên liệu tăng cao... nhưng những kết quả đạt được của ngành Dệt may trong thời gian qua là khả quan. Tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, ngành Dệt may đang nỗ lực để về đích kế hoạch kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD trong năm 2022.

Sản xuất hàng may mặc tại Tổng công ty May 10 - CTCP. Ảnh: Trung Hiếu

Thông tin về tình hình xuất khẩu của ngành Dệt may, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho biết, theo số liệu mới nhất, xuất khẩu toàn ngành dệt may từ đầu năm 2022 đạt kim ngạch gần 38 tỷ USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2021. Sản phẩm dệt may Việt Nam đã xuất khẩu vào 66 nước, vùng lãnh thổ. Đây là sự bứt phá của ngành Dệt may Việt Nam trong phát triển thị trường. Cùng với đó, số mặt hàng duy trì xuất khẩu khoảng 47-50 mặt hàng khác nhau vào thị trường toàn cầu và chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu là quần áo các loại. “Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Mỹ, đạt kim ngạch 13,9 tỷ USD; thứ 2 là thị trường các nước trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với gần 4,8 tỷ USD; thứ 3 là thị trường các nước Liên minh châu Âu (EU) với trị giá gần 3,4 tỷ USD; Hàn Quốc đứng thứ 4 với 2,5 tỷ USD”, ông Vũ Đức Giang cho biết thêm.

Theo VITAS, kết quả khả quan đạt được một phần đến từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chính thức có hiệu lực. Đây là nền tảng tạo ra giải pháp đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực từ chính các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung. Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10-CTCP Bạch Thăng Long cho hay, từ tháng 11 trở đi, đơn hàng bị thiếu khoảng 30-35% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do lạm phát ở các nước tăng cao dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm, các nhãn hàng lớn đang phải đối diện với lượng hàng tồn kho lớn. Thậm chí, nhiều đơn hàng đã sản xuất nhưng khách xin hoãn, giãn thời gian giao hàng vì không có kho chứa. Tương tự, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm, từ tháng 9 trở đi, lượng đơn hàng giảm 30% so với mọi năm, đã đẩy doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn… Dù biết đây là khó khăn chung với các doanh nghiệp dệt may do tác động bởi những nguyên nhân khách quan nhưng rõ ràng doanh nghiệp đang phải giải quyết nhiều bài toán để duy trì sản xuất, giữ chân công nhân.

Để duy trì hoạt động, các doanh nghiệp phải cắt giảm các khoản chi phí, tăng năng suất bằng cách đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm Phí Ngọc Trịnh thông tin, doanh nghiệp xác định phải lấy lợi nhuận, phần tích lũy nhằm bù đắp cho phần thiếu hụt. Đồng thời, xác định trong những tháng tới, nếu giá cả hạ thấp vẫn chấp nhận sản xuất, nhằm chia sẻ khó khăn với đối tác, khách hàng.

Bên cạnh đó, theo VITAS, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi từ gia công sang sản xuất ODM (thiết kế và chế tạo sản phẩm theo đơn đặt hàng), thúc đẩy quản trị số, giải pháp tự chủ chuỗi cung ứng trong nước, đa dạng mặt hàng… Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu quý IV và cả năm 2022, ưu tiên lúc này của các doanh nghiệp là bảo đảm đa dạng các mặt hàng xuất khẩu, sẵn sàng đơn hàng cho mùa xuân năm sau. Các doanh nghiệp đã và đang chủ động nguồn nguyên phụ liệu trong nước và tỷ trọng này ngày càng tăng. Đặc biệt, các chương trình phát triển bền vững, quản trị số và kinh tế tuần hoàn của Việt Nam đang thu hút các nhãn hàng trên thế giới lựa chọn Việt Nam để đầu tư phát triển. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn cuối năm 2022 cũng như các năm sau.

Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cũng nhấn mạnh, ưu tiên số một của ngành là giữ chân người lao động. Các doanh nghiệp đang có nhiều cách để duy trì hoạt động sản xuất, việc làm và thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, có doanh nghiệp đã chuyển đổi mặt hàng sản xuất với năng suất thấp để giữ ổn định lao động, đón sự phục hồi của thị trường được dự báo vào quý III và IV-2023. Bởi vậy, hiện nay, số lượng lao động nghỉ việc trong ngành Dệt may có tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 5-7%.

Với những nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng hành của các ngành, đơn vị chức năng, mục tiêu của ngành Dệt may trong năm 2022 đạt trị giá xuất khẩu 43 tỷ USD sẽ là đích không còn xa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Dệt may nỗ lực về đích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.