Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá điện, xăng và gian lận thi cử “nóng” ngay đầu phiên thảo luận về kinh tế - xã hội

Hoa - Hương| 30/05/2019 08:39

(HNMO) - Sáng 30-5, các đại biểu Quốc hội bắt đầu dành 1,5 ngày để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2019...

Đầu phiên thảo luận đã có 91 đại biểu đăng ký phát biểu.


Tại phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ đã giải trình, làm rõ vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm. Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong đầu giờ sáng, đã có 91 đại biểu đăng ký phát biểu, thể hiện mối quan tâm đặc biệt của các đại biểu trước những vấn đề kinh tế - xã hội.

Tăng giá điện, nguồn gốc sâu xa do độc quyền?

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) cho rằng, nhiều chính sách vĩ mô tốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng những bức xúc hằng ngày của người dân lại chưa được giải quyết hợp lý, nhanh chóng. 

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang)


Là đại biểu tỉnh An Giang, đại biểu phản ánh bức xúc của người dân trong việc triển khai xây dựng đường tránh Long Xuyên.

“Tưởng như mọi việc đã vào guồng nhưng 6 tháng qua tiến triển rất chậm. Một việc tưởng như được khẳng định qua 2 nhiệm kỳ, có thể đạt hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nếu được triển khai sẽ không có việc cách đây vài ngày người dân kéo đến trạm BOT T2 phản ứng dữ dội. Hậu quả là công trình có ý nghĩa to lớn đối với Đồng bằng sông Cửu Long là cây cầu Vàm Cống vừa khánh thành nhưng đã mất đi ý nghĩa nhân văn vì những sai lầm, tắc trách của một bộ phận”, đại biểu nêu.

Ông cũng khẳng định, khởi công đường tránh Long Xuyên và có giải pháp công bằng tháo gỡ cho người dân khi đi qua trạm thu phí BOT T2 là mong mỏi lớn nhất của cử tri An Giang lúc này.

Phản ánh về giá điện, giá xăng dầu, đại biểu nêu Bộ Công Thương có tờ trình điều hành giá các mặt hàng này với gần 20 trang và 200 phụ lục.

Rất nhiều con số lập luận khẳng định bộ làm đúng. Nhưng, đại biểu lấy ví dụ chính bản thân mình là một bác sĩ, cho dù phác đồ điều trị đúng nhưng sức khỏe của bệnh nhân không tốt lên thì bác sĩ vẫn phải xem xét lại phác đồ điều trị đó, vì nhiều khi trên lý thuyết là đúng nhưng triển khai lại sai ở mắt xích nào đấy.

“Lúc này, phải dừng lại xem xét, không bảo thủ, duy ý chí, che giấu sai lầm. Vậy nên, khi rất nhiều người dân phản ứng, bức xúc thì Bộ Công Thương cần nghiêm túc rà soát, rút kinh nghiệm về phương thức tiến hành, cách quản lý giám sát...”, đại biểu Hiếu kiến nghị.

Đại biểu tỉnh An Giang cũng đặt câu hỏi: “Phải chăng nguồn gốc sâu xa là do sự độc quyền, không có cạnh tranh của ngành Điện trong việc mua bán, truyền tải điện?”

Trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu những bức xúc của cử tri An Giang, mong mỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý nghiêm, chỉ ra những thiếu sót trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và chỉ ra người chịu trách nhiệm cụ thể.

Nhiều cử tri cho rằng không thể nói đây hoàn toàn do lỗi của địa phương vì không chỉ có một mà nhiều địa phương phát hiện gian lận thi cử trong kỳ thi vừa qua.


Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không đánh giá về kết quả thi hằng năm của các tỉnh, thành phố; đặt câu hỏi tại sao điểm của các tỉnh miền núi kết quả lại cao hơn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh?.


Đại biểu bày tỏ: “Nếu phúc tra cả nước, tôi tin còn phát hiện ra nhiều vi phạm. Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình, rất cần người nhận trách nhiệm với nhân dân. Có như vậy trong tương lai các thử nghiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy trình thi cử mới bảo đảm tính nghiêm túc, khoa học và hiệu quả”.

Sau đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, nhiều đại biểu Quốc hội khác đã phản ánh về những bức xúc trong đời sống xã hội đáng quan tâm của người dân thời gian qua.

Ngăn ngừa hiện tượng tăng giá "té nước theo mưa"

Cũng liên quan đến việc tăng giá điện, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Bình Thuận) cho rằng, mặc dù việc tăng giá đã được tính toán nhưng tăng vào thời gian vừa qua là không phù hợp. Chính phủ cần sớm công bố kết luận thanh tra việc tăng giá điện. Khi tăng giá điện chắc chắn sẽ khiến giá nhiều mặt hàng khác tăng theo, gây bức xúc cho người dân. Vì vậy, Chính phủ cần phòng ngừa hiện tượng tăng giá “té nước theo mưa”, giám sát hoạt động kê khai giá của doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Bình Thuận).


Đại biểu Nguyễn Thị Phúc cũng đề cập đến vấn đề an toàn thông tin và an ninh mạng. Theo đại biểu, Luật An ninh mạng được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Kỳ vọng của nhân dân là siết chặt hơn nữa các hoạt động trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, khi Luật có hiệu lực, công tác quản lý mạng xã hội vẫn chưa chặt chẽ. Nhiều nội dung chưa đi vào thực tiễn do chưa có văn bản hướng dẫn. Do vậy, xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, bịa đặt, ảnh hưởng xấu đến lối sống và trật tự an toàn xã hội.

Về công tác phòng chống tội phạm ma túy, đại biểu bày tỏ lo ngại khi càng triệt phá nhiều băng nhóm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thì tội phạm ma túy vẫn tăng về số vụ, số đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Nhiều vụ mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn. Việt Nam không chỉ là nước tiêu thụ mà còn là điểm trung chuyển ma túy.

Qua đó cho thấy công tác quản lý đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy chưa chặt chẽ, gây tâm trạng lo lắng cho nhân dân. Hoạt động phối hợp trong công tác phòng chống ma túy chưa đi vào thực chất, còn mang tính hình thức. Khi xảy ra một số vụ tai nạn giao thông mà lái xe có biểu hiện sử dụng ma túy thì các cơ quan mới đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm tra sức khỏe của lái xe.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát,  đánh giá lại thực chất vấn đề này là do đâu? Từ đó đưa ra giải pháp mạnh để ngăn chặn và xử lý nghiêm tội phạm liên quan đến ma túy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá điện, xăng và gian lận thi cử “nóng” ngay đầu phiên thảo luận về kinh tế - xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.