Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng dụng công nghệ trong logistics: Giảm chi phí, nâng chất lượng dịch vụ

Khánh Hà| 13/08/2019 07:17

(HNM) - Logistics là hoạt động theo chuỗi dịch vụ, từ giai đoạn tiền sản xuất cho đến khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng, liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục dịch vụ hành chính, phân phối, bán lẻ… Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong logistics giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn, cắt giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay.

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cái Lân (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Đỗ Phương

Ứng dụng công nghệ là tất yếu

Ở góc độ kinh tế, dịch vụ logistics được hiểu với nghĩa “hậu cần”, “giao nhận hàng hóa”. Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ trong logistics đã có những bước phát triển đáng kể, thể hiện qua việc gia tăng các giải pháp ứng dụng công nghệ, nhất là sự xuất hiện các giải pháp tổng thể có tính tích hợp hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ứng dụng công nghệ trong logistics giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả, cắt giảm được chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, hiện chưa đến 15% doanh nghiệp logistics sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ mới như hệ thống quản lý kho, quản lý vận tải trong vận hành kho bãi…

Một cuộc điều tra của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, tỷ lệ sử dụng phần mềm quản lý kho bãi và cơ sở bán hàng ở hầu hết các tỉnh, thành phố đều rất thấp, như: Hà Nội 32,7%, Đà Nẵng 30,3%, Hải Dương 23,3%, cao nhất là thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạt 39,3%.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, chi phí logistics ở Việt Nam hiện rất lớn, chiếm đến 20% GDP, trong khi ở các nước phát triển con số này chỉ 9-14%. Theo ông O.Dione, ngoài các yếu tố về cơ sở hạ tầng hay chính sách nhà nước, thì việc thay đổi tư duy của các doanh nghiệp logistics là điều rất quan trọng để khắc phục điều này.

Trước viễn cảnh các mô hình số hóa sẽ tác động lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế ở Việt Nam, việc giải quyết bài toán giảm chi phí logistics không thể không theo hướng ứng dụng công nghệ mới. Công ty TNHH Fixmart Franchise là một trong những doanh nghiệp như vậy. Công ty hoạt động trong lĩnh vực giao nhận xuất - nhập khẩu và phân phối hàng tiêu dùng với quy mô lớn.

Anh Phạm Văn Đạt, quản lý kho hàng cho biết, trước đây hàng hóa được nhân viên quản lý bằng cách thủ công, còn hiện nay, các ứng dụng logistics với một thiết bị cầm tay giúp giảm đi rất nhiều công sức và thời gian. Do vậy, thay vì 7 người làm như trước, nay chỉ cần 3 người vẫn đáp ứng được nhu cầu công việc.

Công ty TNHH An Lợi là nhà cung cấp chuỗi dịch vụ logistics cho các công ty sản xuất điện tử của Nhật Bản như Canon, Brother, Nissei... Ông Vũ Khắc Điệp, Trưởng phòng Logistics của công ty cho biết, công ty đang áp dụng phương pháp quản lý tồn kho thông qua hình thức vận chuyển Milkrun, được minh họa cụ thể như sau: Chuyến xe gom hàng từ nhiều địa điểm khác nhau theo thời gian và số lượng đã được định trước, sau đó chuyển về nhà máy và đưa thẳng vào trong dây chuyền sản xuất, lắp ráp ngay, giảm thời gian, diện tích lưu kho. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ còn giúp tăng hiệu quả công tác vận hành cũng như quản lý và điều phối xe tải hằng ngày.

Cơ hội từ nhiều phía

Hai doanh nghiệp nêu trên nằm trong số những đơn vị sử dụng nền tảng hệ thống quản lý kho bãi và vận tải từ Công ty cổ phần Giải pháp chuỗi cung ứng smartlog, một đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics.

Theo ông Đỗ Huy Bình, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Giải pháp chuỗi cung ứng smartlog, trước khi ứng dụng công nghệ, phần lớn các doanh nghiệp được hình dung như những chiếc xe hay những chiếc hộp đen, có dữ liệu phân tán khắp mọi nơi.

Smartlog nhìn thấy những cơ hội để khai thác các dữ liệu đó và giúp doanh nghiệp có giải pháp hiệu quả hơn trong việc tối ưu hóa nội bộ của mình cũng như hợp tác với các đối tác khác. Với những giải pháp hữu ích trong lĩnh vực logistics, smartlog đã nhận được giải Sao Khuê 2019 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam trao tặng.

Một doanh nghiệp khởi nghiệp khác trong lĩnh vực logistics là Công ty cổ phần Abivin Việt Nam đã vượt qua 40 doanh nghiệp khác để giành giải thưởng cao nhất của Cuộc thi World Cup Khởi nghiệp thế giới tại Mỹ. Abivin từng là Quán quân trong Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia Techfest Vietnam 2018.

Giải pháp của Abivin cung cấp giải quyết các vấn đề trong ngành logistics dựa trên nền tảng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo,... áp dụng thuật toán để tạo ra lộ trình nhanh nhất cho hàng trăm xe giao hàng, hàng nghìn đơn hàng trong vài giây.

Ông Phạm Nam Long, người sáng lập của Công ty cổ phần Abivin Việt Nam cho biết: "Phần mềm của Abivin có thể giúp tiết kiệm 30% chi phí logistics".

Cũng là một doanh nghiệp khởi nghiệp chuyên về lĩnh vực vận tải, Công ty TNHH Công nghệ Logivan đã huy động được 5,5 triệu USD từ quỹ đầu tư nước ngoài. Điểm mạnh trong sản phẩm của Logivan là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thuật toán so khớp xe tải và giá cả nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các xe tải trống.

Nhà sáng lập Linh Phạm của Công ty TNHH Công nghệ Logivan ví Logivan như "Uber của xe tải", chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong năm 2018 đã kết nối hơn 22.000 đối tác vận tải, 10.000 chủ hàng đăng ký trên hệ thống của mình.

Những thành công nói trên phần nào cho thấy, công nghệ thông tin đóng vai trò rất lớn trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Đồng thời, với tiềm năng phát triển lớn, ngành logistics hứa hẹn là "mảnh đất màu mỡ" để các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực kết nối trung gian tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ trong logistics: Giảm chi phí, nâng chất lượng dịch vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.