Theo dõi Báo Hànộimới trên

Startup Việt - tìm cơ hội trong thách thức

Thu Hằng| 21/04/2020 07:05

(HNM) - Đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) Việt Nam. Tuy nhiên, mọi cuộc khủng hoảng luôn ẩn chứa những cơ hội cho các doanh nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp biết nắm bắt và thích ứng.

Chuyên gia chia sẻ thông tin cho các thành viên khởi nghiệp trẻ tại buổi hội thảo “Kết nối mạng lưới truyền thông cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”.

Nhiều startup gặp khó khăn

Theo ông Kenneth Tan, Phó Chủ tịch phụ trách đầu tư Gobi Partners (một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài lớn nhất tại thị trường Việt Nam), 95% doanh nghiệp trên toàn cầu đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và startup không phải ngoại lệ. Với nguồn lực hạn chế, kinh nghiệm non trẻ, các startup đang "thấm đòn" từ cơn khủng hoảng toàn cầu.

Tại Việt Nam, chưa có báo cáo chính thức về việc dịch Covid-19 tác động đến các startup như thế nào, song ảnh hưởng là rất lớn. Bonbon - một startup trẻ trong ngành Du lịch ở Hà Nội, trước khi chưa có dịch Covid-19, mỗi ngày doanh nghiệp này nhận được khoảng 15-25 khách hàng, giờ đây con số này là 0. Việc tạm dừng các đường bay quốc tế đến Việt Nam và ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài, khiến Bonbon phải dừng các dịch vụ, hoàn trả phí cho khách đã đặt tour từ trước.

Viec.co là startup giúp kết nối các lao động tự do với doanh nghiệp, từng đoạt quán quân cuộc thi Startup Việt do Báo Điện tử VnExpress tổ chức. “Dịch vụ của Viec.co cung cấp theo nhu cầu, mang tính biến động và tạm thời, nên dịch Covid-19 ảnh hưởng vô cùng lớn”, nhà sáng lập kiêm CEO Viec.co Phan Xuân Cảnh chia sẻ.

Những phòng tập gym, thể hình cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Lamita - thương hiệu dạy nhảy Zumba từng phát triển bùng nổ trong năm 2019, nay cũng không thoát khỏi tình trạng này. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Vũ Thùy Linh, nhà sáng lập của Lamita cho biết, từ khi xuất hiện bệnh nhân số 17, toàn bộ 65 điểm tập của hệ thống trên toàn quốc đã phải đóng cửa, chuyển sang làm việc online.

Theo bà Trương Lý Hoàng Phi, CEO VinTech City (thuộc Tập đoàn Vingroup), trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các startup liên quan tới ngành nghề sử dụng nhiều mặt bằng, hoạt động chuỗi, như: Du lịch, khách sạn, dịch vụ ăn uống, giáo dục, giải trí, trung tâm thương mại, logistics... bị ảnh hưởng nặng nề. "Nhiều người nghĩ rằng, startup đơn giản chỉ cần đóng cửa hàng là tạm an toàn. Song, đóng một cửa hàng, một mặt bằng gây ra rất nhiều thiệt hại, từ tài chính, con người, thậm chí là mô hình hoạt động", bà Trương Lý Hoàng Phi cho biết.

Khuyến khích các startup phát huy tính sáng tạo

Không dừng mọi hoạt động kinh doanh đợi Covid-19 đi qua, nhiều startup đã kịp thời chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình phi truyền thống, tích hợp các ứng dụng công nghệ để chờ thời điểm bật dậy. Nhiều startup đã tận dụng thời gian này để tập trung thiết kế lại mô hình kinh doanh, tinh gọn và xác định đúng nhu cầu thị trường.

Nhà sáng lập của Lamita Vũ Thùy Linh cho biết, Lamita đã triển khai mạnh các khóa học trực tuyến (online) với 2 hình thức. Đó là, phát trực tiếp miễn phí trên nền tảng Facebook, TikTok và Youtube, ghi hình lại tất cả buổi tập để ai cũng có thể theo dõi; đồng thời, xây dựng nền tảng lớp học trực tuyến chuyên biệt, được thiết kế dành riêng cho việc học nhảy.

Ngoài việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển kênh bán hàng online, phát triển dịch vụ giao hàng, như Grab, Go Việt, Now, Foody…, không ít startup tìm cách thích nghi mới bằng cách đưa ra thị trường những sản phẩm mang tính thời điểm, đáp ứng nhu cầu người dùng. Trong đó, ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa là giải pháp của các startup y tế được nhiều người tìm đến, điển hình như: Doctor Anywhere, eDoctor, Bookcarer, Dr.Oh, YouMed… Chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối internet, ngồi nhà, người dùng có thể được thăm khám, tư vấn về tình hình sức khỏe qua video, điện thoại từ đội ngũ bác sĩ.

Do nhu cầu học trực tuyến tăng cao, nhiều startup công nghệ giáo dục đã thực hiện các chương trình giảm giá. ELSA Speak - nền tảng dạy tiếng Anh trực tuyến của CEO Văn Đinh Hồng Vũ tặng 3 tháng học tiếng Anh miễn phí cho tất cả học sinh người Việt từ lớp 1 đến lớp 12. CEO Văn Đinh Hồng Vũ và đội ngũ làm việc cũng đã tăng 200% công suất để đáp ứng nhu cầu của người học.

Đặc biệt, theo kết quả khảo sát của Văn phòng “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện có 46 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đưa ra những giải pháp, ứng dụng công nghệ giải quyết vấn đề trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến đại dịch Covid-19. Các giải pháp công nghệ không chỉ hỗ trợ xử lý trực tiếp tuyến đầu dịch bệnh, mà còn giúp giải quyết vấn đề cho nhóm cộng đồng đang cách ly, hay nhóm chịu ảnh hưởng gián tiếp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, Cục đã có báo cáo gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình hoạt động và khó khăn mà các startup gặp phải trong bối cảnh dịch Covid-19. Cục cũng đã đề xuất một số giải pháp và có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có sản phẩm, mô hình hiệu quả trong ứng phó với dịch bệnh.

“Bộ Khoa học và Công nghệ luôn khuyến khích các startup phát huy tính sáng tạo, phát triển những công nghệ có tính đột phá, thích ứng với những hoàn cảnh khó khăn và sẽ giúp kết nối với mạng lưới truyền thông để hỗ trợ sản phẩm hoặc mô hình tiếp cận thị trường, tiếp cận các bộ, ngành có liên quan trong việc tìm kiếm giải pháp ứng phó với dịch Covid-19”, ông Phạm Hồng Quất khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Startup Việt - tìm cơ hội trong thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.